Phân biệt công ty cổ phần và công ty đại chúng? Phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp nào?
Phân biệt công ty cổ phần và công ty đại chúng?
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019 thì công ty cổ phần và công ty đại chúng có những điểm khác nhau như sau:
Tiêu chí | Công ty đại chúng | |
Vốn điều lệ | Vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định (trường hợp công ty đăng ký kinh doanh ngành nghề pháp luật có quy định vốn pháp định). Trường hợp công ty đăng ký kinh doanh ngành nghề pháp luật không quy định vốn pháp định thì vốn điều lệ do công ty lựa chọn. | Vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên. |
Số lượng cổ đông | Từ 3 cổ đông trở lên. | Thông thường có từ 100 cổ đông trở lên. |
Cơ quan quản lý | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban chứng khoán nhà nước |
Chi phí duy trì | Chi phí quản lý công ty cổ phần thường ít hơn so với công ty đại chúng. | Chi phí quản lý công ty đại chúng nhiều hơn công ty cổ phần vì có cơ cấu tổ chức, quản lý phức tạp hơn và thường có nhiều cổ đông hơn. |
Nghĩa vụ công bố thông tin | Có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ về hoạt động cho cơ quan cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thuế, Cơ quan lao động và Cơ quan thống kê. | Có nghĩa vụ công bố thông tin cho Sở kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thuế, Cơ quan lao động, Cơ quan thống kê và công khai cho cả công chúng, Sở giao dịch chứng khoán nơi công ty đại chúng niêm yết. |
Phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp nào?
Trường hợp công ty đại chúng phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng được quy định tại Điều 39 Luật Chứng khoán 2019 như sau:
Hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng
Công ty đại chúng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng bao gồm:
1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
2. Văn bản thông báo về việc công ty đại chúng không còn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật này;
3. Danh sách cổ đông do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp;
4. Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Trường hợp công ty tăng vốn điều lệ sau thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm gần nhất, công ty phải bổ sung báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán.
Dẫn chiếu khoản 2 Điều 38 Luật Chứng khoán 2019 thì công ty đại chúng phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong trường hợp sau 01 năm (kể từ ngày công ty có vốn điều lệ đã góp không đủ 30 tỷ đồng tính trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán hoặc có dưới 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ) mà công ty vẫn không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng.
Phân biệt công ty cổ phần và công ty đại chúng (Hình từ Internet)
Không nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp phải nộp hồ sơ thì công ty đại chúng bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty đại chúng không nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp phải nộp hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về hủy tư cách công ty đại chúng
...
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không nộp hoặc nộp không đúng thời hạn hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định tại Điều 39 Luật Chứng khoán trong trường hợp phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định pháp luật.
Như vậy, công ty đại chúng không nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp phải nộp hồ sơ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.