Nội dung thử việc của người lao động được quy định trong hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc?
- Nội dung thử việc của người lao động được quy định trong hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc?
- Trong hợp đồng thử việc phải ghi rõ công việc và địa điểm làm việc của người lao động đúng không?
- Tiền lương thử việc của người lao động có được thấp hơn 85% mức lương chính thức của công việc đó hay không?
- Người lao động có phải bồi thường khi huỷ bỏ hợp đồng thử việc đã giao kết trong thời gian thử việc mà không báo trước hay không?
Nội dung thử việc của người lao động được quy định trong hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc?
Căn cứ Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
...
Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Như vậy, nội dung thử việc của người lao động có thể được quy định trong hợp đồng lao động hoặc được quy định trong hợp đồng thử việc.
Nội dung thử việc của người lao động được quy định trong hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc? (Hình từ Internet)
Trong hợp đồng thử việc phải ghi rõ công việc và địa điểm làm việc của người lao động đúng không?
Tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thử việc
...
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Theo đó, nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Theo các quy định trên, nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và các nội dung như sau:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
Như vậy, trong hợp đồng thử việc phải ghi rõ công việc và địa điểm làm việc theo quy định.
Tiền lương thử việc của người lao động có được thấp hơn 85% mức lương chính thức của công việc đó hay không?
Căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo quy định, tiền lương thử việc của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, tiền lương thử việc mà người sử dụng lao động trả cho người lao động do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn 85% mức lương chính thức của công việc đó.
Người lao động có phải bồi thường khi huỷ bỏ hợp đồng thử việc đã giao kết trong thời gian thử việc mà không báo trước hay không?
Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo đó, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động không phải bồi thường khi huỷ bỏ hợp đồng thử việc đã giao kết trong thời gian thử việc mà không báo trước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.