Nợ nhóm 3 của Quỹ hỗ trợ nông dân bao gồm những khoản nợ nào? Chi hoạt động bộ máy của Quỹ hỗ trợ nông dân gồm những khoản nào?
Nợ nhóm 3 của Quỹ hỗ trợ nông dân bao gồm những khoản nợ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư 92/2024/TT-BTC về phân loại nợ của Quỹ hỗ trợ nông dân như sau:
Phân loại nợ
Quỹ thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 37/2023/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này. Việc thực hiện phân loại nợ theo 05 (năm) nhóm như sau:
1. Nhóm 1, nhóm 2, nhóm 4 và nhóm 5 thực hiện phân loại theo quy định của pháp luật đối với tổ chức tài chính vi mô.
2. Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
a) Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
b) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;
c) Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận (trừ các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do thực hiện chính sách của Nhà nước).
Như vậy, nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) của Quỹ hỗ trợ nông dân bao gồm các khoản nợ sau đây:
- Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;
- Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận (trừ các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do thực hiện chính sách của Nhà nước).
Nợ nhóm 3 của Quỹ hỗ trợ nông dân bao gồm những khoản nợ nào? Chi hoạt động bộ máy của Quỹ hỗ trợ nông dân gồm những khoản nào? (Hình từ Internet)
Quỹ hỗ trợ nông dân phải thực hiện phân loại nợ vào thời điểm nào?
Căn cứ vào Điều 17 Thông tư 92/2024/TT-BTC có quy định như sau:
Định kỳ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho vay
1. Ít nhất mỗi quý một lần, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý tiếp theo, Quỹ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước.
2. Riêng đối với quý IV, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, Quỹ thực hiện việc phân loại nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 11; việc trích lập dự phòng rủi ro thực hiện vào thời điểm quyết toán căn cứ vào kết quả phân loại nợ tại thời điểm ngày 30 tháng 11 năm kế toán.
Như vậy, Quỹ hỗ trợ nông dân phải thực hiện phân loại vào thời điểm sau đây:
- Ít nhất mỗi quý 01 lần, trong vòng 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý tiếp theo: Quỹ thực hiện phân loại nợ đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước.
- Riêng đối với quý IV, trong vòng 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 12: Quỹ thực hiện việc phân loại nợ đến thời điểm ngày 30/11.
Chi hoạt động bộ máy của Quỹ hỗ trợ nông dân gồm những khoản nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Thông tư 92/2024/TT-BTC quy định chi hoạt động bộ máy của Quỹ hỗ trợ nông dân gồm các khoản sau đây:
(1) Chi cho cán bộ và người lao động:
- Chi tiền lương, phụ cấp lương cho người lao động và người quản lý Quỹ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 37/2023/NĐ-CP và theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ;
- Chi các khoản đóng góp theo lương cho người lao động gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn;
+ Chi bữa ăn giữa ca, chi bảo hộ lao động đối với những đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc;
+ Chi cho lao động nữ;
+ Chi làm thêm giờ và các khoản chi khác áp dụng theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Chi trang phục cho cán bộ và người lao động của Quỹ, mức chi không vượt quá mức chi trang phục giao dịch bằng tiền để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các doanh nghiệp;
(2) Chi cho hoạt động quản lý và công vụ:
- Chi hội nghị, hội thảo, tiếp khách; tập huấn, đào tạo, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, chi công tác phí cho cán bộ và người lao động của Quỹ đi công tác trong và ngoài nước theo quy định;
Chi hỗ trợ cho đại biểu là cán bộ của Quỹ cấp dưới tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo của Quỹ cấp trên tổ chức (gồm tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ và tiền phương tiện đi lại) trong trường hợp các khoản chi này không được chi trả bởi cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ.
Mức chi các khoản này thực hiện theo các quy định của pháp luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước;
- Chi điện, nước, điện thoại, internet, bưu phí, vật liệu, giấy, mực in, văn phòng phẩm;
+ Chi mua tài liệu, sách báo; chi tư vấn liên quan đến hoạt động của Quỹ, chi dịch vụ thanh toán, kiểm toán;
+ Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước;
+ Chi cộng tác viên, chi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ;
+ Chi thưởng sáng kiến cải tiến, tăng năng suất lao động, chi cho công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cơ quan;
+ Chi y tế, chi xăng đầu, chi phòng cháy chữa cháy, chi phương tiện vận chuyển, chi tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị;
+ Chi lễ tân, khánh tiết theo quy định của pháp luật;
(3) Chi tài sản gồm:
- Chi khấu hao tài sản cố định; chi thuê tài sản;
- Chi bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành tài sản;
- Chi mua sắm công cụ, dụng cụ;
- Chi bảo hiểm tài sản, chi kiểm định phương tiện;
- Chi nhượng bán, thanh lý tài sản bao gồm giá trị còn lại của tài sản cố định thanh lý, nhượng bán (nếu có);
(4) Các chi phí khác liên quan đến hoạt động bộ máy theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Thông tư 92/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.