Nợ khó thu là gì? Nợ khó thu bao gồm những khoản nợ nào? Xử lý đối với tiền thuế nợ khó thu được quy định ra sao?
Nợ khó thu là gì?
Nợ khó thu được quy định tại tiểu mục 1 Mục III Quy trình Quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TCT năm 2022 như sau:
III. Giải thích từ ngữ
1. Nợ khó thu là tiền thuế nợ của NNT là cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; NNT có liên quan đến trách nhiệm hình sự; NNT không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, địa chỉ liên lạc; NNT đang làm thủ tục giải thể; NNT đang làm thủ tục phá sản; NNT đã bị CQT áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 lần trở lên; NNT đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
...
Theo đó, nợ khó thu là tiền thuế nợ của (người nộp thuế) NNT là cá nhân:
- Đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự;
- NNT có liên quan đến trách nhiệm hình sự;
- NNT không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, địa chỉ liên lạc;
- NNT đang làm thủ tục giải thể;
- NNT đang làm thủ tục phá sản;
- NNT đã bị cơ quan áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 lần trở lên;
- NNT đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Nợ khó thu là gì? Nợ khó thu bao gồm những khoản nợ nào? Xử lý đối với tiền thuế nợ khó thu được quy định ra sao? (hình từ internet)
Nợ khó thu bao gồm những khoản nợ nào?
Nợ khó thu bao gồm những khoản nợ được quy định tại tiểu mục 1 Mục IV Quy trình Quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TCT năm 2022 cụ :
(i) Tiền thuế nợ của NNT là cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
Hồ sơ phân loại là một trong các tài liệu sau:
- NNT là cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết: Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết.
- NNT là cá nhân mất tích: Quyết định của tòa án tuyên bố một người là mất tích.
- NNT là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự: Quyết định của tòa án tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự.
(Tài liệu trên là bản chính hoặc bản sao theo quy định)
(ii) Khoản nợ của NNT có liên quan đến trách nhiệm hình sự: là khoản tiền thuế nợ có liên quan đến vụ việc, hồ sơ đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố hình sự, đang chờ bản án hoặc kết luận của cơ quan pháp luật.
Hồ sơ phân loại là một trong các tài liệu sau:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định khởi tố bị can (Tài liệu trên là bản chính hoặc bản sao theo quy định)
- Tài liệu chứng minh vụ án đã được khởi tố và có liên quan đến khoản tiền thuế nợ của NNT.
(iii) Tiền thuế nợ của NNT không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, địa chỉ liên lạc: là số tiền thuế nợ của NNT mà cơ quan thuế đã kiểm tra, xác định NNT không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc hoặc đã ban hành thông báo NNT không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, địa chỉ liên lạc.
Hồ sơ phân loại là một trong các tài liệu sau:
- Văn bản xác nhận giữa cơ quan thuế với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký hoặc địa chỉ liên lạc (Mẫu số 15/BB-BKD ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC hoặc mẫu số 15/BB-BKD ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC).
- Thông báo của cơ quan thuế về việc NNT không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký hoặc địa chỉ liên lạc.
(iv) Tiền thuế nợ của NNT đang làm thủ tục giải thể: là số tiền thuế nợ của doanh nghiệp, tổ chức mà cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo tình trạng doanh nghiệp, tổ chức đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh (gọi tắt là hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh) nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
Hồ sơ phân loại bao gồm các tài liệu sau:
- Quyết định giải thể hoặc văn bản thông báo giải thể của người nộp thuế hoặc Thông báo của cơ quan thuế về việc người nộp thuế đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với trường hợp NNT giải thể;
- Thông tin về tên, mã số doanh nghiệp, thời gian đăng tải thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.
(v) Tiền thuế nợ của NNT đang làm thủ tục phá sản: là số tiền thuế nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã đã có Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản nhưng chưa làm các thủ tục xử lý nợ theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ phân loại là một trong các tài liệu sau:
- Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Quyết định mở thủ tục phá sản.
- Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
(vi) Tiền thuế nợ của NNT đã bị CQT áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 (ba) lần trở lên: là số tiền thuế nợ của NNT mà NNT đã bị CQT thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hoặc ngừng sử dụng hóa đơn liên tiếp từ 03 (ba) lần trở lên, trong đó có 01 (một) quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đang còn hiệu lực trong thời gian phân loại tiền thuế nợ và NNT không sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh trong thời gian 01 năm gần nhất tính đến thời điểm phân loại.
Hồ sơ phân loại bao gồm: 03 (ba) Quyết định cưỡng chế hóa đơn (Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hoặc ngừng sử dụng hóa đơn) liên tiếp, trong đó có 01 (một) Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đang còn hiệu lực trong thời gian phân loại tiền thuế nợ.
(vii) Tiền thuế nợ của NNT đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bao gồm:
- NNT có các khoản tiền thuế nợ dưới 10 (mười) năm;
- NNT có các khoản tiền thuế nợ từ 10 (mười) năm trở lên.
Hồ sơ phân loại: Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản chính hoặc bản sao theo quy định).
Xử lý đối với tiền thuế nợ khó thu được quy định ra sao?
Xử lý đối với tiền thuế nợ khó thu được quy định tại tiểu mục 2 Mục VII Quy trình Quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TCT năm 2022, cụ thể như sau:
(i) Nợ khó thu (trừ khoản nợ liên quan đến trách nhiệm hình sự và tiền thuế nợ của NNT bị CQT thực hiện cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 lần trở lên)
Bộ phận Quản lý nợ hoặc bộ phận phận được giao nhiệm vụ Quản lý nợ thực hiện lập hồ sơ để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 mục VI phần II Quy trình này.
(ii) Nợ khó thu liên quan đến trách nhiệm hình sự và cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 (ba) lần trở lên
- Đối với nợ khó thu liên quan đến trách nhiệm hình sự:
Khi có kết luận của cơ quan điều tra, quyết định của Tòa án, nếu NNT chưa nộp vào ngân sách nhà nước thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình thực hiện áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu tiền thuế nợ.
- Đối với nợ khó thu liên quan đến cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 (ba) lần trở lên:
Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình tiếp tục theo dõi tình trạng hoạt động, tình hình áp dụng biện pháp cưỡng chế của NNT:
+ Nếu NNT có sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh hoặc cơ quan thuế không tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với NNT thì bộ phận Quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình thực hiện phân loại lại và đôn đốc.
+ Nếu có đủ điều kiện và hồ sơ để thực hiện xóa nợ, khoanh nợ thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 mục VI phần II Quy trình này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.