Những đối tượng nào được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 30% tại các cơ sở y tế công lập?
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế đúng không?
- Những đối tượng nào được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 30% tại các cơ sở y tế công lập?
- Công chức, viên chức chuyên môn y tế thuộc các đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì mức hưởng xác định như thế nào?
Thời gian nghỉ việc không hưởng lương sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế đúng không?
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế như sau:
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế
1. Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
2. Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức;
3. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
4. Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
5. Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên.
6. Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục từ 1 tháng trở lên.
Theo đó, thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế.
Những đối tượng nào được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 30% tại các cơ sở y tế công lập? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 30% tại các cơ sở y tế công lập?
Theo khoản 5 Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định về mức phụ cấp như sau:
Mức phụ cấp
1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức (kể cả cán bộ chuyên môn y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn) thường xuyên, trực tiếp làm các công việc quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP;
5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau đây:
a) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để phục vụ công tác truyền thông giáo dục sức khỏe quy định tại điểm a, Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP;
b) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp thực hiện các công việc chuyên môn y tế về dân số - kế hoạch hóa gia đình (kể cả cán bộ làm công việc chuyên môn về dân số - kế hoạch hóa gia đình tại xã, phường, thị trấn) quy định tại điểm a, Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP;
c) Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện, trung tâm thuộc các chuyên khoa sau: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
...
Theo đó, mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau:
- Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để phục vụ công tác truyền thông giáo dục sức khỏe;
- Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp thực hiện các công việc chuyên môn y tế về dân số kế hoạch hóa gia đình (kể cả cán bộ làm công việc chuyên môn về dân số kế hoạch hóa gia đình tại xã, phường, thị trấn);
- Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện, trung tâm thuộc các chuyên khoa sau: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y.
Công chức, viên chức chuyên môn y tế thuộc các đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì mức hưởng xác định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định như sau:
Nguyên tắc áp dụng
1. Trường hợp công chức, viên chức chuyên môn y tế thuộc đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.
2. Công chức, viên chức đã hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư liên tịch này.
Theo đó, trường hợp công chức, viên chức chuyên môn y tế thuộc đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.