Những cách có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất theo quy định pháp luật hiện nay?

Em ơi cho chị hỏi: Mình có thể dùng những cách nào để giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng cọc mua bán đất vậy em? Hay đối với tranh chấp này chỉ có phương pháp khởi kiện tại Tòa án. Đây là câu hỏi của chị C.D đến từ Quảng Nam.

Những cách có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất theo quy định pháp luật hiện nay?

Theo đó, đối với tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất thì chị có thể áp dụng những cách sau đây để giải quyết tranh chấp:

Cách 1: Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh. Đây là cách giải quyết tranh chấp đơn giản nhưng có điểm hạn chế là hiệu quả không cao.

Cách 2: Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, giải thích, thuyết phục các bên tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp. Bên thứ ba có thể là người am hiểu pháp luật, có uy tín hoặc thông qua hòa giải viên cơ sở.

Tương tự như thương lượng, hòa giải trong nhiều trường hợp không đạt hiệu quả cao.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Khởi kiện là phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự thông qua Tòa án; đây là phương thức giải quyết được hầu hết các bên lựa chọn khi xảy ra tranh chấp, kết quả giải quyết được bảo đảm thi hành bởi Nhà nước (cơ quan thi hành án dân sự) nhưng thời gian giải quyết lâu hơn và phải nộp tạm ứng án phí, án phí.

Khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở được tiến hành theo thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

- Đơn khởi kiện theo mẫu.

- Danh mục tài liệu, chứng cứ (không bắt buộc phải nộp hết tài liệu mà chỉ cần nộp tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện).

- Bản sao giấy tờ của người khởi kiện: Hộ khẩu, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện

- Nộp đơn khởi kiện tại tòa án

- Hình thức nộp đơn khởi kiện:

Người khởi kiện nộp đơn theo một trong các hình thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền như trên (thực tế chủ yếu nộp theo cách này).

+ Gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo đường bưu điện.

+ Gửi thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 3: Tòa nhận đơn, xử lý đơn, thụ lý đơn

Bước 4: Chuẩn bị xét xử và xét xử

Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc không quá 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (tổng thời gian không quá 06 tháng); khi hết thời hạn trên Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Sau khi có bản án sơ thẩm, trong thời hạn 15 ngày các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định, nếu không bản án sẽ có hiệu lực.

hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng cọc mua bán đất (Hình từ Internet)

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Hồ sơ vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất gồm những gì?

Theo Điều 204 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Hồ sơ vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc mua bán đất gồm:

- Đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác;

- Tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án;

- Văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án dân sự.

Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án dân sự phải được đánh số bút lục, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm. Giấy tờ, tài liệu có trước thì để ở dưới, giấy tờ, tài liệu có sau thì để ở trên và phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,054 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào