Như thế nào là quan hệ huyết thống? Người có quan hệ huyết thống mấy đời thì được phép kết hôn?
Như thế nào là quan hệ huyết thống?
Theo khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Theo đó những người có cùng họ hàng gần gũi với nhau, có cùng dòng máu trực hệ được xem là những người có cùng quan hệ huyết thống.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cho phép các hành vi quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau. Việc quan hệ tình dục giữa những người có cùng huyết thống trực hệ với nhau là một trong những hành vi bị cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời được xác định như thế nào?
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm:
- Cha mẹ là đời thứ nhất
- Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai
- Anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì ta xác định như sau:
Ông bà cụ nội là người sinh ra bà nội bạn và bà nội của bạn trai bạn là đời thứ nhất.
Bà nội bạn và bà nội của bạn trai bạn là đời thứ hai.
Mẹ của bạn và mẹ bạn trai bạn là đời thứ ba.
Bạn và bạn trai bạn là đời thứ tư.
Điều kiện kết hôn là gì? Người có quan hệ huyết thống mấy đời thì được phép kết hôn?
Điều kiện kết hôn là gì?
Căn cứ theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Người có quan hệ huyết thống mấy đời thì được phép kết hôn?
Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cấm các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, theo quy định trên thì pháp luật không cho phép những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau. Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Pháp luật đã quy định rõ về các điều kiện kết hôn giữa hai bên nam nữ nhằm tránh các trường hợp khi có ý định kết hôn thì phát hiện mình có họ hàng gần với nhau, hạn chế những rủi ro không đáng có về các quan hệ xã hội cũng như về mặt y tế.
Đối chiếu với quy định nêu trên thì trường hợp này bạn và bạn trai đã là ở đời thứ 4 nên không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn với nhau. Nếu như các bạn đồng thời không thuộc các trường hợp cấm kết hôn và thỏa mãn điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có thể kết hôn với nhau mà không vi phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.