Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có thể kéo dài trong trường hợp nào? Trình tự bầu Chủ tịch nước như thế nào?
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có thể kéo dài trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Hiến pháp 2013 như sau:
Điều 87.
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.
Theo đó, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì Chủ tịch nước vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước mới.
Và căn cứ theo Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 như sau:
Nhiệm kỳ Quốc hội
1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.
3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
Nhiệm kỳ mỗi khóa của Quốc hội là 05 năm được tình từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
Bên cạnh đó, nếu được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của mình lên đến 12 tháng.
Như vậy, nếu Chủ tịch nước được bầu cùng thời điểm ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và nhiệm kỳ của Quốc hội được kéo dài 01 năm hoặc lâu hơn trong trường hợp có chiến tranh thì nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có thể kéo dài hơn 01 năm hoặc có thể lâu hơn.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có thể kéo dài trong trường hợp nào? Trình tự bầu Chủ tịch nước như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự bầu Chủ tịch nước thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị quyết 71/2022/QH15, Chủ tịch nước được bầu theo trình tự sau:
(1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
(2) Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
(3) Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
(4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).
(5) Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.
(6) Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
(7) Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
(8) Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.
(9) Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
(10) Quốc hội thảo luận.
(11) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
(12) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
(13) Chủ tịch nước tuyên thệ.
Nội dung lời tuyên thệ của Chủ tịch nước khi nhậm chức là gì?
Căn cứ theo Điều 31 Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định về lễ tuyên thệ như sau:
Lễ tuyên thệ
1. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
2. Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.
3. Vị trí tuyên thệ là vị trí trang trọng của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.
4. Lễ tuyên thệ được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí;
b) Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ;
c) Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.
Theo đó, Chủ tịch nước khi nhậm chức sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến Pháp và tuyên thệ nội dung phù hợp với trách nhiệm được giao.
Lễ tuyền thệ nhậm chức của Chủ tịch nước được tiến hành theo trình tự sau:
(1) Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí;
(2) Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ;
(3) Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.