Nhà thầu gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng vào thời điểm nào? Tải về mẫu báo cáo ở đâu?
- Nhà thầu gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng vào thời điểm nào? Tải về mẫu báo cáo ở đâu?
- Khi xây dựng phương án đàm phán giá để lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc có căn cứ vào giá tham khảo của thuốc ở các nước khác không?
- Thuốc có trên 2 hãng sản xuất thì có thể được đưa vào danh mục đàm phán giá hay không?
Nhà thầu gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng vào thời điểm nào? Tải về mẫu báo cáo ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 05/2024/TT-BYT như sau:
Báo cáo tình hình thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu
Nhà thầu trúng thầu và các cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo hình thức đàm phán giá cụ thể như sau:
1. Báo cáo kết quả thực hiện hợp đồng:
Trước ngày 10 hằng tháng và ngày 10 tháng đầu tiên của mỗi quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, nhà thầu báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá theo mẫu quy định tại các Phụ lục V, VI, VII và VIII ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm.
...
Như vậy, theo quy định thì nhà thầu phải gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng trước ngày 10 hằng tháng theo mẫu tại Phụ lục V được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BYT.
Tải về Mẫu báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng.
Nhà thầu gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo tháng vào thời điểm nào? (Hình từ Internet)
Khi xây dựng phương án đàm phán giá để lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc có căn cứ vào giá tham khảo của thuốc ở các nước khác không?
Căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2024/TT-BYT như sau:
Phương án đàm phán giá
1. Việc xây dựng phương án đàm phán giá đối với thuốc căn cứ vào một hoặc một số hoặc toàn bộ các thông tin sau đây:
a) Số lượng giấy đăng ký lưu hành của thuốc generic nhóm 1 theo quy định tại Thông tư quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (sau đây viết tắt là thuốc generic nhóm 1) hoặc các thuốc generic nhóm kỹ thuật khác trong trường hợp không có thuốc generic nhóm 1;
b) Giá trúng thầu thuốc generic nhóm 1 hoặc các nhóm kỹ thuật khác trong trường hợp không có thuốc generic nhóm 1;
c) Khả năng thay thế của thuốc đàm phán giá (trong trường hợp cần thiết);
d) Thời gian lưu hành tại Việt Nam;
đ) Thông tin về giá trị của thuốc đàm phán giá đã sử dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp (nếu có);
e) Giá trị và số lượng kế hoạch của thuốc đàm phán giá;
g) Giá tham khảo của thuốc đàm phán giá tại các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (nếu có). Trường hợp không có giá tham khảo tại ASEAN thì tham khảo các quốc gia khác (nếu có);
h) Lộ trình gia công, chuyển giao công nghệ đối với các thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố gia công, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam;
i) Hồ sơ đề xuất của nhà thầu, báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất và tổng hợp thông tin thuốc đàm phán giá của tổ chuyên gia;
k) Các thông tin khác có liên quan (nếu có).
...
Theo đó, khi xây dựng phương án đàm phán giá để lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc có thể căn cứ vào giá tham khảo của thuốc đàm phán giá tại các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (nếu có). Trường hợp không có giá tham khảo tại ASEAN thì tham khảo các quốc gia khác (nếu có).
Lưu ý: Không bắt buộc phải căn cứ vào giá tham khảo của thuốc ở các nước khác khi xây dựng phương án đàm phán giá mà có thể căn cứ vào một hoặc một số hoặc toàn bộ các thông tin được quy định trên.
Thuốc có trên 2 hãng sản xuất thì có thể được đưa vào danh mục đàm phán giá hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định như sau:
Nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá
1. Thuốc được đưa vào danh mục phải đáp ứng một trong các nguyên tắc, tiêu chí sau đây:
a) Thuốc, sinh phẩm tham chiếu thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố;
b) Thuốc chỉ có 01 hoặc 02 hàng sản xuất theo dạng bào chế (riêng vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất theo thành phần vắc xin, công nghệ sản xuất vắc xin).
2. Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được đưa vào danh mục phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí sau đây:
a) Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam;
b) Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hàng sản xuất theo nguyên lý, công nghệ hoặc mục đích sử dụng.
Như vậy, thuốc có trên 2 hãng sản xuất thì vẫn có thể được đưa vào danh mục đàm phán giá nếu là thuốc thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc do Bộ Y tế công bố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.