Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì có thể ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế trong trường hợp nào?
- Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì có thể ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế trong trường hợp nào?
- Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế trước thời điểm nào?
- Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế trong trường hợp nào?
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì có thể ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế trong trường hợp nào?
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì có thể ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế trong trường hợp quy định tại Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nội dung như sau:
Hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế
...
2. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu tự quyết định việc tái chế theo các cách thức sau đây:
a) Tự thực hiện tái chế;
b) Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế;
c) Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế (sau đây viết tắt là bên được ủy quyền);
d) Kết hợp cách thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
...
5. Bên được ủy quyền tổ chức tái chế quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền;
c) Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế.
...
Dẫn chiếu dến quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung như sau:
Trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
...
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:
a) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì;
b) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
...
Như vậy, nhà sản xuất sản phẩm, bao bì có thể ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế trong trường hợp đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
- Lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì.
- Bên được ủy quyền tổ chức tái chế có đ các yếu tố sau:
+ Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền;
+ Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế.
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì (Hình từ Internet)
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế trước thời điểm nào?
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế trước thời điểm quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nội dung như sau:
Đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế
1. Nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hằng năm; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Việc đăng ký kế hoạch tái chế được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường của năm liền trước đó. Nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu đăng ký kế hoạch tái chế và mẫu báo cáo kết quả tái chế quy định tại khoản này.
...
Theo quy định trên, nhà sản xuất sản phẩm, bao bì phải đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế năm trước trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế trong trường hợp nào?
Nhà sản xuất sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 77 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nội dung như sau:
Đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế
...
3. Các đối tượng sau đây không phải thực hiện trách nhiệm tái chế:
a) Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường.
b) Nhà sản xuất bao bì quy định tại khoản 1 Điều này có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng;
c) Nhà nhập khẩu bao bì quy định tại khoản 1 Điều này có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
...
Theo đó, nhà sản xuất sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế trong trường hợp sau:
- Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
- Nhà sản xuất bao bì các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này để đưa ra thị trường Việt Nam có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng;
- Nhà nhập khẩu bao bì các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này để đưa ra thị trường Việt Nam có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.