Nhà nước đầu tư xây dựng cho loại công trình phòng chống thiên tai nào? Xây dựng và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai ra sao?
- Nhà nước đầu tư xây dựng cho những loại công trình phòng chống thiên tai nào?
- Việc xây dựng và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai được quy định ra sao?
- Nghĩa vụ của cá nhân khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng chống thiên tai được quy định ra sao?
Nhà nước đầu tư xây dựng cho những loại công trình phòng chống thiên tai nào?
Công trình phòng chống thiên tai được giải thích tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 như sau:
Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.
Dẫn chiếu đến Điều 5 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định như sau:
Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai
1. Có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ.
...
Như vậy, nhà nước đầu tư xây dựng cho những loại công trình phòng chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ.
Nhà nước đầu tư xây dựng cho loại công trình phòng chống thiên tai nào? Xây dựng và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai ra sao? (hình từ internet)
Việc xây dựng và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai được quy định ra sao?
Tại Điều 20 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định về việc xây dựng và bảo vệ công trình phòng chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai như sau:
- Việc xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt đối với việc xây dựng, nâng cấp và mở rộng mạng lưới đài, trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, trạm thu nhận thông tin cảnh báo sớm về mưa, bão, lũ, động đất, sóng thần.
- Việc xây dựng và nâng cấp trường học, trạm y tế, trụ sở công, nhà văn hóa cộng đồng và công trình công cộng khác ở khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai phải tính đến nhu cầu kết hợp sử dụng làm địa điểm sơ tán dân khi có thiên tai.
- Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai được quy định như sau:
+ Chính phủ phân công và phân cấp việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia xây dựng hệ thống công trình phòng, chống thiên tai; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chương trình, đề án, dự án;
+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân công, phân cấp của Chính phủ; quản lý việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai thuộc thẩm quyền;
+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý bảo đảm an toàn và hiệu quả;
+ Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai.
Nghĩa vụ của cá nhân khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng chống thiên tai được quy định ra sao?
Nghĩa vụ của cá nhân khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân
....
2. Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ sau đây:
a) Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai;
b) Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
c) Tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc điểm thiên tai tại địa phương;
d) Chủ động trang bị thiết bị theo khả năng để tiếp nhận bản tin dự báo, cảnh báo và sự chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống thiên tai;
đ) Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để phòng, chống thiên tai;
e) Chủ động dự trữ lương thực, nước uống, vật tư và thiết bị xử lý nước, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra phù hợp với đặc thù thiên tai tại địa phương;
g) Chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin, tín hiệu phù hợp; phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về vị trí, tình trạng của phương tiện đang hoạt động cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra; khi gặp tàu thuyền khác bị nạn phải kịp thời cứu hộ, tìm kiếm, cứu nạn, trường hợp vượt quá khả năng phải bằng mọi cách thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn;
h) Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai;
i) Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm;
k) Chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền;
l) Chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc sau khi bị tác động của thiên tai;
m) Thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình;
n) Cung cấp thông tin về diễn biến thiên tai, thiệt hại do thiên tai cho cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi nhận biết của mình;
o) Cá nhân có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của Chính phủ; chủ động giúp đỡ người bị thiệt hại do thiên tai tại địa phương.
Như vậy, cá nhân có trách nhiệm thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.