Nhà nước có hỗ trợ đầu tư cho hoạt động hợp tác quốc tế về kiến trúc không? Hợp tác quốc tế về kiến trúc gồm những nội dung nào?
Nhà nước có hỗ trợ đầu tư cho hoạt động hợp tác quốc tế về kiến trúc không?
Theo khoản 2 Điều 6 Luật Kiến trúc 2019 quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc như sau:
Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc
1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
a) Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam;
b) Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;
c) Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:
a) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản về kiến trúc;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc;
c) Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa;
d) Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc;
đ) Triển lãm, quảng bá về kiến trúc.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:
a) Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực kiến trúc;
b) Xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực kiến trúc;
c) Trợ giúp, tư vấn miễn phí về kiến trúc vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.
Theo đó, trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước thì Nhà nước có thể hỗ trợ đầu tư cho hoạt động hợp tác quốc tế về kiến trúc.
Hợp tác quốc tế về kiến trúc (Hình từ Internet)
Hợp tác quốc tế về kiến trúc gồm những nội dung nào?
Căn cứ Điều 8 Luật Kiến trúc 2019 quy định về hợp tác quốc tế về kiến trúc như sau:
Hợp tác quốc tế về kiến trúc
1. Việc hợp tác quốc tế về kiến trúc với các quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế về kiến trúc bao gồm:
a) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin về kiến trúc;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc;
c) Thực hiện các hoạt động kiến trúc;
d) Thừa nhận lẫn nhau về hành nghề kiến trúc.
Theo quy định trên, hợp tác quốc tế về kiến trúc gồm những nội dung sau:
+ Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin về kiến trúc.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc.
+ Thực hiện các hoạt động kiến trúc.
+ Thừa nhận lẫn nhau về hành nghề kiến trúc.
Cơ quan nào có trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về kiến trúc là gì?
Theo quy định tại Điều 37 Luật Kiến trúc 2019 về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ như sau:
Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiến trúc trên phạm vi cả nước.
2. Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;
c) Tổ chức, quản lý hoạt động kiến trúc trong quản lý dự án, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng;
d) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kiến trúc;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc;
e) Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về kiến trúc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc;
g) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động kiến trúc;
h) Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá chất lượng kiến trúc trong các dự án đầu tư xây dựng;
i) Ban hành mẫu thiết kế kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai;
k) Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc;
l) Hợp tác quốc tế về kiến trúc.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc.
Như vậy, cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về kiến trúc là Bộ Xây dựng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.