Nhà gần đường sắt thì có được mở lối đi ngang đường sắt hay không? Đường sắt được giao nhau với đường bộ như thế nào?
Hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là gì?
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP định nghĩa về hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với công trình đường sắt để quản lý, bảo vệ, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định công trình đường sắt và đảm bảo an toàn cho công trình đường sắt.
2. Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
3. Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang là vùng đất, khoảng không, vùng nước bao quanh công trình đường sắt, công trình đường bộ tại khu vực đường ngang để đảm bảo an toàn giao thông khu vực đường ngang, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông.”
Nhà gần đường sắt thì có được mở lối đi ngang đường sắt hay không? (Hình từ Internet)
Nhà gần đường sắt thì có được mở lối đi ngang đường tàu hay không?
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt:
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt
1. Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt.
2. Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
3. Tự mở lối đi qua đường sắt; xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
4. Làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.”
Theo đó, Luật cấm hành vi phá hoại công trình đường sắt, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, tự mở lối đi qua đường sắt, làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt. Làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.
Cho nên, dù nhà bạn gần đường tàu bạn cũng không được phép mở lối đi ngang đường tàu.
Đường sắt được giao nhau với đường bộ như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Đường sắt 2017 quy định về đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc với đường bộ
“Điều 17. Đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc với đường bộ
1. Đường sắt giao nhau với đường sắt phải giao khác mức, trừ trường hợp đường sắt chuyên dùng giao nhau với đường sắt chuyên dùng.
2. Đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây:
a) Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ;
b) Đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị;
c) Đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
3. Chủ đầu tư xây dựng đường sắt mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi chưa có đủ điều kiện tổ chức giao khác mức thì Ủy ban nhân dân các cấp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao thông qua đường sắt phải tuân theo những quy định sau đây:
a) Nơi xây dựng đường ngang phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
b) Nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về:
a) Đường ngang, giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang;
b) Cầu chung, giao thông trên khu vực cầu chung;
c) Kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
6. Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí đường sắt giao nhau với đường sắt, đường sắt giao nhau với đường bộ không phù hợp với quy định của Luật này, các lối đi tự mở và lộ trình thực hiện.”
Như vậy, đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị; đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt phải xây dựng nút giao khác mức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.