Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là gì? Làm thế nào để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là gì?
Đối chiếu với quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 thì:
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:
(1) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;
(2) Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
(3) Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
(4) Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
(5) Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là gì? (Hình từ Internet)
Làm thế nào để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp:
Theo đó:
(1) Tổ chức phát hành, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua chứng khoán khi thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ, đăng ký lập quỹ thành viên hoặc ủy quyền cho công ty chứng khoán thực hiện việc xác định.
Trường hợp ủy quyền, tổ chức phát hành, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải ký hợp đồng với công ty chứng khoán về việc xác định và lưu trữ tài liệu xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong đó quy định rõ quyền, trách nhiệm của các bên liên quan.
(2) Đối với chứng khoán phát hành riêng lẻ được giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua chứng khoán có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi thực hiện giao dịch.
Đối với chứng khoán phát hành riêng lẻ chưa được giao dịch tập trung, tổ chức đăng ký, lưu ký có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu.
Lưu ý: Trong thời hạn 01 năm kể từ thời điểm được công ty chứng khoán xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư không phải thực hiện xác định lại tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi tham gia mua chứng khoán chào bán riêng lẻ, chứng chỉ quỹ thành viên.
Nhà đầu tư đã mua chứng khoán chào bán riêng lẻ, chứng chỉ quỹ thành viên không phải xác định lại tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thực hiện bán các chứng khoán đã mua.
Tài liệu xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Chứng khoán 2019 về quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán;
b) Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
c) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán tại địa phương.
Như vậy, Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trong đó, theo quy định tại Điều 1 Nghị định 14/2023/NĐ-CP thì:
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về:
- Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; ngân quỹ nhà nước; nợ công; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật);
- Hải quan;
- Kế toán;
- Kiểm toán độc lập;
- Giá;
- Chứng khoán;
- Bảo hiểm;
- Hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
- Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.