Nhà cung cấp ở nước ngoài muốn đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?
- Nhà cung cấp ở nước ngoài muốn đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?
- Cơ quan thuế phải cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước vào thời điểm nào?
- Sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế như thế nào?
Nhà cung cấp ở nước ngoài muốn đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì nhà cung cấp ở nước ngoài là nhà cung cấp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Điều kiện đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử đối với nhà cung cấp ở nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 74 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
Đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử
1. Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi đăng ký giao dịch điện tử, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau: Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
3. Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế vào địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký để thực hiện các thủ tục về thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi đăng ký giao dịch điện tử và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau:
- Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet;
- Có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Lưu ý: Nhà cung cấp ở nước ngoài chỉ đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Nhà cung cấp ở nước ngoài muốn đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Cơ quan thuế phải cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước vào thời điểm nào?
Việc cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 5 Điều 77 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
Khai thuế, tính thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài
...
b.2) Trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán của tổ chức, cá nhân không thu thập được hoặc mâu thuẫn với thông tin còn lại, nhà cung cấp ở nước ngoài được phép sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin về tình trạng cư trú và một thông tin về truy cập của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
4. Nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý trực tiếp cấp để xác thực khi kê khai, điều chỉnh.
5. Sau khi nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện khai thuế, kê khai điều chỉnh (nếu có), cơ quan thuế quản lý trực tiếp cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước để làm cơ sở cho nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế.
6. Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng phát sinh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này phục vụ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Việc lưu trữ thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật Quản lý thuế.
7. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo quy định tại Điều 62 Thông tư này.
Như vậy, theo quy định, sau khi nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện khai thuế, kê khai điều chỉnh (nếu có), cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước để làm cơ sở cho nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế.
Sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế như thế nào?
Cách thức nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 78 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
Nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài
1. Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.
2. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ với số thuế phải nộp ở kỳ tính thuế tiếp theo.
Theo đó, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Lưu ý: Khi nộp thuế phải đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.