Nhà chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm như thế nào? Biển số căn hộ của nhà chung cư được viết như thế nào?
Nhà chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 08/2024/TT-BXD như sau:
Đánh số căn hộ của nhà chung cư
1. Đánh số căn hộ được sử dụng dãy số tự nhiên với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này để đánh số căn hộ. Ghi số tầng trước số căn hộ được ghi tách riêng bằng dấu gạch ngang (ví dụ: 21 - 05).
2. Chiều đánh số căn hộ được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của lối đi chính (thang máy hoặc thang bộ);
b) Trường hợp ngôi nhà chung cư có nhiều lối đi, thì lối đi chính do chủ đầu tư xác định. Chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản này.
3. Việc đánh số tầng nhà chung cư được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đánh số tầng nhà theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà (không tính tầng hầm). Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,..., n với n là tổng số tầng của ngôi nhà) để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn;
b) Trường hợp không đánh số liên tục có thể dùng số tầng trước đó kết hợp thêm ký tự (ví dụ: 4 thành 3A; 7 thành 6A...). Có thể đặt tên tầng trệt thay cho tầng 1, khi đó các tầng tiếp theo từ dưới lên được đánh số là tầng 1, tầng 2,... tầng n-1;
c) Trường hợp nhà có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng hầm ở trên cùng xuống hầm phía dưới, bắt đầu từ tầng hầm gần nhất với tầng 1 hoặc tầng trệt của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,..., n với n là tổng số tầng hầm của ngôi nhà) để đánh số tầng hầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu chữ do chủ đầu tư quyết định vào trước số tầng hầm (ví dụ: B1, B2, B3,...hoặc H1, H2, H3...).
4. Việc đánh số cầu thang nhà chung cư (từ 2 cầu thang sử dụng chung trở lên) được thực hiện theo nguyên tắc lấy chiều từ lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên từ bên trái đánh số 1, những cầu thang tiếp theo được đánh số 2, 3,...n.
Theo đó, đối với nhà chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm như sau:
- Đánh số tầng hầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng hầm ở trên cùng xuống hầm phía dưới, bắt đầu từ tầng hầm gần nhất với tầng 1 hoặc tầng trệt của ngôi nhà.
- Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,..., n với n là tổng số tầng hầm của ngôi nhà) để đánh số tầng hầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn.
- Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu chữ do chủ đầu tư quyết định vào trước số tầng hầm (ví dụ: B1, B2, B3,...hoặc H1, H2, H3...).
Nhà chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm như thế nào? Biển số căn hộ của nhà chung cư được viết như thế nào? (Hình từ Internet)
Biển số căn hộ của nhà chung cư được viết như thế nào?
Căn cứ vào Điều 17 Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định về gắn biển số căn hộ của nhà chung cư như sau:
Gắn biển số căn hộ của nhà chung cư
Mỗi căn hộ được gắn một biển số. Biển số căn hộ được viết bằng tên ghép của ký hiệu tòa, số tầng với số căn hộ được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 13 của Thông tư này. Biển số căn hộ được gắn tại vị trí dễ quan sát, bên trái hoặc trên giữa cửa đi chính của căn hộ.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì biển số căn hộ được viết bằng tên ghép của ký hiệu tòa, số tầng với số căn hộ.
Biển số căn hộ được gắn tại vị trí dễ quan sát, bên trái hoặc trên giữa cửa đi chính của căn hộ.
Thời hạn bảo hành nhà chung cư là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 129 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Bảo hành nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng trang thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.
2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các trang thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
Như vậy, thời hạn bảo hành nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng, kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Xem thêm: Từ ngày 01/08/2024 hộ gia đình có còn được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật đất đai 2024 nữa không?
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.