Nhà chung cư bị dột, trách nhiệm thuộc về ai? Nội dung bảo hành nhà chung cư bao gồm những nội dung gì?
Nhà chung cư được hiểu như thế nào?
>> Mới nhất Tải Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ tiểu mục 1.4.1 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD về Nhà chung cư được quy định, cụ thể như sau:
(1) Nhà chung cư:
"1.4.1
Nhà chung cư
Nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
GHI CHÚ: Nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp sau đây được gọi tắt là nhà chung cư hỗn hợp."
Đối chiếu quy định trên, như vậy, nhà chung cư được hiểu là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Nhà chung cư bị dột (Hình từ Internet)
Nhà chung cư bị dột, trách nhiệm thuộc về ai?
Theo khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2014 quy định bảo hành nhà ở như sau:
"2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng."
Đối chiếu quy định trên, tại khoản 2 Điều này quy định thời hạn nhà ở sẽ được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng:
- Nhà chung cư: Tối thiểu 60 tháng;
- Nhà ở riêng lẻ: Tối thiểu 24 tháng.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu chung cư còn trong thời hạn bảo hành thì chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân thi công xây dựng là người phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.
Ngược lại, nếu đã quá thời hạn bảo hành nêu trên, chủ căn hộ chung cư phải có trách nhiệm sửa chữa phần thấm dột đó.
Nội dung bảo hành nhà chung cư bao gồm những nội dung gì?
Theo khoản 3 Điều 85 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc bảo hành nhà ở, cụ thể như sau:
"Điều 85. Bảo hành nhà ở
...
3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất."
Như vậy, những vấn đề được quy định nêu trên chính là các nội dung bảo hành của nhà chung cư.
Ai là người quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định mới nhất hiện nay?
Tại khoản 1 Điều 105 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc quản lý vận hành nhà chung cư như sau:
"Điều 105. Quản lý vận hành nhà chung cư
1. Việc quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:
a) Đối với nhà chung cư có thang máy thì do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện;
b) Đối với nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư họp quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện."
Đối chiếu quy định trên, tùy thuộc vào nhà chung cư đó có thang máy hay không để xác định đối tượng quản lý, vận hành nhà chung cư, cụ thể:
- Nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư có thể tự quyết định để chủ đầu tư tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
- Đối với nhà chung cư có thang máy thì thì bắt buộc phải do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành. Nếu chủ đầu tư không có đủ điều về chức năng, năng lực để quản lý vận hành nhà chung cư thì phải thuê đơn vị khác thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.