Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán nội bộ đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam? Hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán nội bộ?
Chế độ báo cáo kiểm toán trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Căn cứ theo Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015 quy định về chế độ báo cáo kiểm toán như sau:
- Báo cáo khi kết thúc thực hiện một cuộc kiểm toán
+ Sau 10 ngày kể từ khi kết thúc cuộc kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Báo cáo kiểm toán, báo cáo Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ xem xét, trình Tổng Giám đốc.
+ Báo cáo kiểm toán phải trình bày rõ nội dung, phạm vi kiểm toán; những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán; những yếu kém, tồn tại (nguyên nhân khách quan, chủ quan) và kiến nghị biện pháp xử lý; đề xuất điều chỉnh quy trình, nghiệp vụ để hoàn thiện cơ chế quản lý của Ngành.
+ Báo cáo kiểm toán phải kèm theo ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đơn vị được kiểm toán, nêu rõ nhưng điểm chưa thống nhất ý kiến và lý do chưa thống nhất.
- Báo cáo đột xuất
Khi phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng ở những đơn vị được kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán kịp thời báo cáo, đề xuất những biện pháp giải quyết với Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ để báo cáo Tổng Giám đốc hoặc Lãnh đạo Ngành phụ trách có biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.
- Báo cáo kiểm toán thường niên
Chậm nhất 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ phải gửi báo cáo Tổng Giám đốc tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm toán nội bộ của năm trước.
Như vậy, chế độ báo cáo kiểm toán trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định như trên.
Hoạt động kiểm toán nội bộ
Các hình thức kiểm toán nội bộ
Căn cứ tại Điều 7 Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015, quy định về các hình thức kiểm toán nội bộ như sau:
- Kiểm toán trước: Là hình thức kiểm toán được thực hiện trước khi thực hiện dự án nhằm kiểm toán số liệu dự toán, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động để đánh giá các thông tin, số liệu đã xây dựng, tính kinh tế, tính khả thi và hiệu quả của dự án hoặc hoạt động kinh tế của đơn vị đó, giúp Tổng Giám đốc có thông tin tin cậy trước khi quyết định.
- Kiểm toán trong: Là hình thức kiểm toán trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, hoạt động của các đơn vị nhằm đánh giá tiến độ, chất lượng; kịp thời tham mưu để có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém, sai sót trong quá trình thực hiện dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị.
- Kiểm toán sau: Là hình thức kiểm toán được thực hiện sau khi dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị được kiểm toán đã hoàn thành nhằm thực hiện các mục tiêu kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế và hiệu quả trong quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí được giao của đơn vị.
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán nội bộ hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Căn cứ theo Điều 3 Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015, quy định về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán nộ bộ hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán nội bộ
1. Tính tuân thủ
a) Hoạt động kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị và tổ chức được kiểm toán cũng như các đơn vị phối hợp thực hiện kiểm toán.
b) Hoạt động kiểm toán nội bộ tuân thủ các quy trình, quy định và Kế hoạch kiểm toán đã được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (Tổng Giám đốc) phê duyệt.
2. Tính độc lập: Hoạt động của kiểm toán nội bộ độc lập với hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị là đối tượng kiểm toán. Cán bộ làm công tác kiểm toán không đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng kiểm toán.
3. Tính khách quan: Bộ phận, người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, không có định kiến.
4. Tính chuyên nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải là người có kiến thức, trình độ và kỹ năng kiểm toán nội bộ cần thiết. Công tác kiểm toán không làm cản trở hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán.”
Như vậy, theo quy định trên có thể thấy các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán nội bộ hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bao gồm:
- Tính tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ, quy định về các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…
- Bảo đảm tính độc lập và không đồng thời đảm nhiệm các công việc thuộc đối tượng kiểm toán.
- Bảo đảm tính khách quan và chuyên nghiệp trong quá trình làm công tác kiểm toán bộ. Không làm cản trở hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán.
Hành vi nào bị pháp luật nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định như sau:
“Điều 4. Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán
1. Sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán.
2. Can thiệp trái luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
3. Nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
4. Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
6. Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán khi chưa được công bố chính thức.
7. Các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, các hoạt động kiểm toán hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh thực hiện những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.