Người thu hộ và người nhờ thu hối phiếu là ai? Những đối tượng này có quyền hạn, trách nhiệm gì? Điều kiện để nhờ thu hối phiếu thông qua người thu hộ là gì?

Tôi muốn biết đối với hoạt động nhờ thu hối phiếu thông qua người thu hộ, thì những chủ thể trong hoạt động này cụ thể là ai? Họ có quyền hạn và trách nhiệm như thế nào? Để có thể tiến hành hoạt động nhờ thu hối phiếu thông qua người thu hộ thì cần đáp ứng điều kiện gì?

Người thu hộ, người nhờ thu hộ hối phiếu là ai?

Thu hộ hối phiếu đòi nợ

Người thu hộ, người nhờ thu hộ hối phiếu nhờ thu

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ ban hành kèm theo Quyết định 44/2006/QĐ-NHNN, người thu hộ và người nhờ thu hộ là những đối tượng sau đây:

(1) Người thu hộ là ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm dịch vụ thu hộ hối phiếu.

(2) Người nhờ thu là người thụ hưởng hợp pháp hối phiếu thực hiện việc chuyển giao hối phiếu cho người thu hộ để nhờ thu số tiền ghi trên hối phiếu.

Quyền hạn và trách nhiệm của người thu hộ hối phiếu là gì?

Quyền và trách nhiệm của người thu hộ được quy định tại Điều 12 Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ ban hành kèm theo Quyết định 44/2006/QĐ-NHNN, cụ thể như sau:

(1) Người thu hộ có quyền:

a) Thực hiện một số quyền sau đây của người thụ hưởng nhờ thu hối phiếu: Quyền xuất trình hối phiếu để thanh toán; quyền nhận số tiền trên hối phiếu; quyền chuyển giao hối phiếu cho người thu hộ khác để nhờ thu hối phiếu.

b) Từ chối thu hộ đối với hối phiếu không đủ điều kiện nhờ thu theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

c) Trả lại hối phiếu cho người nhờ thu trong các trường hợp: Không xuất trình được hối phiếu, hối phiếu bị từ chối thanh toán, chỉ được thanh toán một phần, không được thanh toán do người trả tiền mất khả năng thanh toán hoặc do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Người thu hộ không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì về sự chậm trễ, hay thiệt hại xảy ra cho các bên liên quan khi hối phiếu nhờ thu không được thanh toán do bị trả lại trong các trường hợp nêu trên.

d) Thu phí dịch vụ thu hộ hối phiếu và các loại phí liên quan theo đúng mức phí đã niêm yết tại biểu phí dịch vụ thanh toán của đơn vị mình. Trong trường hợp hối phiếu bị trả lại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì người thu hộ không phải hoàn trả lại phí dịch vụ đã thu.

(2) Người thu hộ có trách nhiệm:

a) Thực hiện thu hộ hối phiếu theo đúng quy định của pháp luật.

b) Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung ghi trên Giấy uỷ quyền thu hối phiếu và giải thích cho người nhờ thu các quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu.

c) Giao hối phiếu và tờ phụ đính kèm (nếu có) cho người trả tiền, sau khi người trả tiền đã thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu.

d) Thông báo kịp thời cho người nhờ thu hoặc người thu hộ nhận nhờ thu trong các trường hợp: Không thu hộ được hối phiếu do không xuất trình được hối phiếu; hối phiếu bị từ chối thanh toán, chỉ được thanh toán một phần, không được thanh toán do người trả tiền mất khả năng thanh toán, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra.

đ) Bồi thường thiệt hại cho người nhờ thu, nếu người thu hộ không xuất trình hối phiếu đúng thời hạn để yêu cầu thanh toán hoặc xuất trình không đúng với chỉ dẫn trên Giấy ủy quyền thu hối phiếu. Trong trường hợp này, số tiền người thu hộ phải bồi thường cho người nhờ thu được giới hạn tối đa bằng số tiền ghi trên hối phiếu nhờ thu.

Quyền hạn và trách nhiệm của người thu hộ hối phiếu là gì?

Quyền và trách nhiệm của người nhờ thu hối phiếu được quy định cụ thể tại Điều 11 Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ ban hành kèm theo Quyết định 44/2006/QĐ-NHNN:

(1) Người nhờ thu hối phiếu có quyền:

a) Yêu cầu người thu hộ hướng dẫn, giải thích rõ các quy định của pháp luật về thủ tục nhờ thu hối phiếu.

b) Yêu cầu người thu hộ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp hối phiếu không được thanh toán do lỗi của người thu hộ gây ra.

(2) Người nhờ thu hối phiếu có trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và người thu hộ quy định.

b) Theo dõi việc thanh toán hối phiếu nhờ thu để phối hợp với người thu hộ xử lý kịp thời các vướng mắc; thanh toán đầy đủ, kịp thời phí dịch vụ nhờ thu hối phiếu và các loại phí liên quan khác do người thu hộ quy định.

c) Tiếp nhận lại các hối phiếu nhờ thu do người thu hộ chuyển trả lại trong các trường hợp: Hối phiếu không đủ điều kiện nhờ thu quy định tại Điều 5 Quy định này; hối phiếu không xuất trình được, bị từ chối thanh toán, chỉ được thanh toán một phần; hối phiếu không được thanh toán do người trả tiền mất khả năng thanh toán, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra.

d) Chịu trách nhiệm về những tổn thất phát sinh do đã ghi không rõ ràng, không đầy đủ hoặc thiếu chính xác trên Giấy ủy quyền thu hối phiếu.

Hối phiếu nhờ thu qua người thu hộ cần đáp ứng điều kiện nào?

Điều kiện của hối phiếu nhờ thu qua người thu hộ được quy định tại Điều 5 Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ ban hành kèm theo Quyết định 44/2006/QĐ-NHNN, gồm:

- Hối phiếu được lập, phát hành, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố theo đúng quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng, các văn bản hướng dẫn Luật Các công cụ chuyển nhượng và các quy định của pháp luật có liên quan về lập chứng từ kế toán. Các nội dung trên tờ hối phiếu và tờ phụ đính kèm (nếu có) được ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác, không bị sửa chữa, tẩy xoá, nhàu nát, bôi bẩn, xé rời, chắp dán, kết nối lại dưới bất kỳ hình thức nào và phải có chữ ký và dấu (nếu có) của người ký phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc của người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ). Trên hối phiếu không có cụm từ “Từ bỏ, Hủy bỏ” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự.

- Đối với hối phiếu đòi nợ yêu cầu phải được chấp nhận trước khi thanh toán, hối phiếu đó phải là hối phiếu đã được người bị ký phát ký chấp nhận trên hối phiếu theo đúng hình thức và nội dung quy định tại Điều 21 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005.

- Hối phiếu chưa quá hạn thanh toán. Thời gian tối thiểu còn hiệu lực thanh toán của hối phiếu nhờ thu do hai bên thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo có đủ thời gian cần thiết để thực hiện việc thu hộ hối phiếu theo Quy định này.

- Hối phiếu không thuộc danh mục hối phiếu bị trả lại, bị từ chối thanh toán, không được thanh toán hoặc đã được Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo bị mất.

Ngoài các điều kiện quy định như trên, người thu hộ nhận nhờ thu và người nhờ thu được thỏa thuận thêm về các điều kiện của hối phiếu nhờ thu, nếu các thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật.

Như vậy, người thu hộ và người nhờ thu hối phiếu có các quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Quy định về thủ tục nhờ thu hối phiếu qua người thu hộ ban hành kèm theo Quyết định 44/2006/QĐ-NHNN. Đồng thời, việc thu hộ hối phiếu qua người thu hộ cần thỏa mãn các điều kiện cụ thể nêu trên mới có thể tiến hành.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

3,979 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào