Người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Người tham gia đấu giá có thể là cá nhân không?
- Người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản không?
Người tham gia đấu giá có thể là cá nhân không?
Người tham gia đấu giá được giải thích tại khoản 7 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản 2016 như sau:
Người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, người tham gia đấu giá có thể là cá nhân nhưng phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên (Hình từ Internet)
Người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt theo điểm h khoản 1, điểm c khoản 5 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản
1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
b) Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
c) Không trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá hoặc không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá;
d) Ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc thành lập hội đồng đấu giá tài sản khi chưa có giá khởi điểm, trừ trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá hoặc pháp luật có quy định khác;
đ) Không thông báo công khai hoặc thông báo không đúng quy định trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản;
e) Đưa thông tin không đúng về tài sản đấu giá nhằm mục đích trục lợi;
g) Thỏa thuận trái pháp luật với cá nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trừ trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản này, các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
h) Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, g và h khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Và căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Theo đó, người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này.
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Những người sau đây đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 83, 84, 85, 86 và 87 Nghị định này.
...
Và theo khoản 1 Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
...
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Theo đó, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
Người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này.
Do đó, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã không có quyền xử phạt người tham gia đấu giá đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.