Người nước ngoài thường trú và có nhà tại Việt Nam khi qua đời không kịp để lại di chúc thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc di sản thừa kế này không?
Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài hay không?
(1) Căn cứ khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
- Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
+ Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
+ Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
(2) Căn cứ Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Bất động sản và động sản như sau:
- Bất động sản bao gồm:
+ Đất đai;
+ Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
+ Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
- Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
(3) Căn cứ Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
- Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
- Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
(4) Căn cứ khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
- Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
Như vậy, từ những căn cứ trên trong trường hợp này cá nhân là người đã sinh sống và làm ăn tại Việt Nam, có tài sản là bất động sản tại Việt Nam thì tòa án tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc thừa kế này.
Người nước ngoài thường trú và có nhà tại Việt Nam khi qua đời không kịp để lại di chúc thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc thừa kế không?
Con nuôi có được nhận di sản thừa kế hay không?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, trong trường hợp này nếu như anh A có nhận con nuôi tại Việt Nam có làm hồ sơ nhận nuôi đầy đủ và đã được pháp luật công nhận thì con nuôi của anh A cũng có quyền hưởng di sản thừa kế bằng với vợ và con đẻ theo quy định pháp luật. Vợ và con đẻ của anh A không có quyền ngăn cản con nuôi được nhận thừa kế theo đúng quyền lợi được quy định trong Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Người thân từ chối nhận di sản thì giải quyết vấn đề thừa kế như thế nào?
(1) Căn cứ Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
(2) Căn cứ Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc tài sản không có người nhận thừa kế như sau:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
(3) Căn cứ Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế như sau:
- Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
- Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Như vậy trong trường hợp này tài sản anh A để lại là bất động sản nên sẽ được xác định theo pháp luật của Việt Nam, vậy nên việc người thân từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước. Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền tòa án và thừa kế mà bạn quan tâm.
Tải về mẫu văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.