Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo thị thực đi du lịch có được đổi sang loại thị thực làm việc tại Việt Nam không?
Nhập cảnh vào Việt Nam theo thị thực đi du lịch có được đổi sang loại thị thực làm việc tại Việt Nam không?
Theo Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quả cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 quy định:
"Điều 7. Hình thức và giá trị sử dụng của thị thực
1. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.
2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:
[...]
3. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có giá trị một lần.
4. Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:
a) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
c) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
d) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
5. Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực theo quy định tại khoản 4 Điều này thì được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi. Trình tự, thủ tục cấp thị thực mới thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật này.”
Đồng thời tại khoản 2 Điều 44 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài như sau:
"2. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
b) Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh;"
Theo đó, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam phải hoạt động đúng mục đích nhập cảnh cụ thể là đi du lịch và thị thực không được chuyển đổi mục đích. Do đó, người nước ngoài đang có thị thực du lịch không được ký hợp đồng lao động dài hạn tại Việt Nam.
Để có thể làm việc tại Việt Nam thì người nước ngoài đó phải ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tiến hành xin lại thị thực lao động. Sau khi có thị thực lao động thì mới vào trở lại Việt Nam để làm việc.
Thị thực
Để tiến hành xin lại thị thực lao động người nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì?
Về điều kiện cấp thị thực được quy định tại Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b khoản 5 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh ,cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 như sau:
"Điều 10. Điều kiện cấp thị thực
1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
2. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.
3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
4. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:
a) Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
b) Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
c) Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
d) Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
5. Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này."
Để tiến hành xin lại thị thực lao động người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Thủ tục xin cấp thị thực đối với người lao động nước ngoài được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh,quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 như sau:
Bước 1: Gửi văn bản thông báo đến cục quản lý xuất nhập cảnh.
- Thông báo này chỉ thực hiện một lần, hoặc thực hiện khi có sự thay đổi trong hồ sơ. Do đó đối với các doanh nghiệp lần đầu bảo lãnh người lao động nước ngoài thì phải nộp hồ sơ thông báo cho cục quản lý xuất nhập cảnh trước. Hồ sơ bao gồm:
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp
+ Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức theo mẫu NA16 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA.
Bước 2: Doanh nghiệp trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực cho người lao động đến cục quản lý xuất nhập cảnh theo mẫu số NA2 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA.
Bước 3: Sau khi nhận được thông báo chấp thuận của cục quản lý xuất nhập cảnh, doanh nghiệp thông báo cho người nước ngoài thực hiện thủ tục xin thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài. Hồ sơ bao gồm:
- Hộ chiếu;
- Tờ khai đề nghị cấp thị thực và ảnh.
Đối với trường hợp nước của người nước ngoài không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam thì thực hiện thủ tục xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.