Người nộp thuế áp dụng loại hóa đơn điện tử nào khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài?
- Người nộp thuế áp dụng loại hóa đơn điện tử nào khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài?
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ?
- Người mua hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp nào?
Người nộp thuế áp dụng loại hóa đơn điện tử nào khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài?
Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về loại hóa đơn:
Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
...
Như vậy, người nộp thuế khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài thì sử dụng loại hóa đơn điện tử cụ thể như sau:
(i) Hóa đơn giá trị gia tăng dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ
(ii) Hóa đơn bán hàng dành cho tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.
Lưu ý số 1: Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn bán hàng ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
Lưu ý số 2: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa:
- Khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
- Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng. Cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng để xuất cho khách hàng nước ngoài.
>>> Xem thêm: Tổng hợp mẫu hóa đơn giá trị gia tăng TẢI
Người nộp thuế áp dụng loại hóa đơn điện tử nào khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài? (Hình từ Internet)
Thời điểm lập hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ?
Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
...
3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
...
c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
...
Như vậy, cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Người mua hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 56 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về trách nhiệm của người mua hàng hóa, dịch vụ:
Trách nhiệm của người mua hàng hóa, dịch vụ
1. Yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
2. Cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn.
3. Ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.
4. Sử dụng hóa đơn đúng mục đích.
5. Cung cấp thông tin trên hóa đơn cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì phải cung cấp hóa đơn bản gốc, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì thực hiện quy định về việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử.
Như vậy, người mua hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.