Người nhiễm HIV không được làm việc trong những lĩnh vực nào? Người sử dụng lao động có được quyền yêu cầu người ứng tuyển công việc xét nghiệm HIV hay không?
- Người nhiễm HIV không được làm việc trong những lĩnh vực nào theo quy định của pháp luật?
- Người sử dụng lao động có được quyền yêu cầu người ứng tuyển công việc xét nghiệm HIV hay không?
- Hành vi kì thị người nhiễm HIV có vi phạm pháp luật hay không?
- Hành vi kì thị người nhiễm HIV có bị xử phạt theo quy định của pháp luật hay không?
Người nhiễm HIV không được làm việc trong những lĩnh vực nào theo quy định của pháp luật?
Người nhiễm HIV không được làm việc trong những lĩnh vực nào theo quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Theo Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP quy định về danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng như sau:
- Thành viên tổ lái, người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.
- Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Đối với 2 lĩnh vực ngành nghề trên yêu cầu phải xét nghiệm HIV trước khi làm việc đồng nghĩa với việc người nhiễm HIV sẽ không được tham gia làm việc tại 2 lĩnh vực nghề nghiệp kể trên.
Người sử dụng lao động có được quyền yêu cầu người ứng tuyển công việc xét nghiệm HIV hay không?
Theo khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc như sau:
Phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
...
2. Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trên người sử dụng lao động không được yêu cầu người ứng tuyển công việc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp thuộc danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.
Hành vi kì thị người nhiễm HIV có vi phạm pháp luật hay không?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 như sau:
...
4. Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
...
Bên cạnh đó tại khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Như vậy, kì thị người nhiễm HIV là hành vi vi phạm pháp luật, pháp luật nghiêm cấm thực hiện hành vi này.
Hành vi kì thị người nhiễm HIV có bị xử phạt theo quy định của pháp luật hay không?
Theo Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:
Vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học;
b) Cản trở học sinh, sinh viên, học viên tham gia hoạt động, dịch vụ của cơ sở giáo dục vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV;
c) Cản trở tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;
d) Từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người lao động dự tuyển, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của Chính phủ;
b) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
c) Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;
d) Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV;
đ) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV;
e) Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;
g) Bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
d) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
đ) Sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều này;
d) Buộc điều chuyển lại vị trí công tác đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Buộc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
e) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được thì buộc tiêu hủy sản phẩm truyền thông.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP), thẩm quyền phạt tiền của các chức danh theo Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Như vậy, tùy vào chủ thể có hành vi kì thị là cá nhân hay tổ chức và hành vi cụ thể của chủ thể đó mà cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng mức phạt theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.