Người nhiễm HIV cố tình rãi kim tiêm có dính máu tại những nơi công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Những hành vi nào bị nghiêm cấm liên quan đến việc phòng chống HIV?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về những hành vi bị cấm như sau:
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.
2. Đe dọa truyền HIV cho người khác.
3. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
4. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.
5. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.
6. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.
7. Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.
8. Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.
9. Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
10. Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.
11. Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc đe dọa truyền HIV cho người khác, cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Trường hợp người nhiễm HIV cố tình rãi kim tiêm có dính máu tại những nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi vi phạm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người nhiễm HIV cố tình rãi kim tiêm có dính máu có thể bị xử phạt không?(Hình từ internet)
Người nhiễm HIV cố tình rải kim tiêm có dính máu tại những nơi công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cố ý truyền HIV cho người khác như sau:
Tội cố ý truyền HIV cho người khác
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, với hành vi cố tình rãi kim tiêm dính máu ở những nơi công cộng mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý truyền HIV cho người khác với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trách nhiệm phòng chống HIV thuộc về ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS như sau:
Trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hành động về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS; tham gia và giám sát thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức, thực hiện phong trào hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với người nhiễm HIV.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
4. Gia đình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó, trách nhiệm phòng chống HIV/AIDS không phải chỉ thuộc về nhà nước mà mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và gia đình phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.