Người lao động không tham gia đình công nhưng phải nghỉ việc do đình công thì có được hưởng lương theo quy định của pháp luật?

Xin chào. Người lao động không tham gia đình công nhưng phải nghỉ việc do đình công thì có được hưởng lương không? Hiện công tôi đang xảy ra đình công, và tôi buộc phải nghỉ việc trong hơn 5 ngày nay. Vậy những ngày nghỉ của tôi có được tính lương hay không? Mức lương nhận được có thể là bao nhiêu?

Đình công được hiểu như thế nào? Trường hợp đình công nào được xem là hợp pháp?

Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 quy định về khái niệm đình công như sau: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 quy định về những trường hợp người lao động có quyền đình công, bao gồm:

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Điều 204 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm:

- Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.

- Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.

- Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

- Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.

- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.

Không tham gia đình công có được hưởng lương?

Quy định về việc tạm thời đóng cửa nơi làm việc khi xảy ra đình công

Điều 205 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc như sau:

Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau đây:

- Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động không được phép đóng cửa nơi làm việc nếu rơi vào một trong các trường hợp tại Điều 206 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:

- Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công.

- Sau khi người lao động ngừng đình công.

Trong thời gian đình công, người lao động có được hưởng lương không?

Điều 207 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công như sau:

- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, bạn không tham gia đình công sẽ được trả lương theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

"2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;"

Tóm lại, vì bạn không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc thì người sử dụng lao động vẫn phải trả tiền lương ngừng việc cho bạn, tiền lương trả theo thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.


MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

4,152 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào