Người lao động được trả lương bằng ngoại tệ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
- Người sử dụng lao động có được phép trả lương cho người lao động bằng ngoại tệ hay không?
- Người lao động được trả lương bằng ngoại tệ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
- Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Người sử dụng lao động có được phép trả lương cho người lao động bằng ngoại tệ hay không?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
...
14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
...
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương của người lao động như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Từ các quy định nêu trên thì người sử dụng lao động có thể thỏa thuận để trả lương cho người lao động bằng ngoại tệ.
Người lao động được trả lương bằng ngoại tệ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào? (Hình từ Internet)
Người lao động được trả lương bằng ngoại tệ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng bảo hiểm xã hội và ghi sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
1. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
2. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam.
Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Luật này, mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên
...
Như vậy, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.