Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp thôi việc hay không? Mức hưởng theo quy định hiện hành là bao nhiêu?

Xin chào, cho tôi hỏi, nếu tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Tôi làm ở doanh nghiệp hiện tại được 5 năm. Tuy nhiên, tôi muốn đổi một môi trường làm việc mới để có thêm nhiều trải nghiệm. Vậy khi nghỉ việc bằng cách này, tôi có được hưởng các quyền và lợi ích gì không? Tôi xin cảm ơn sự hỗ trợ từ các bạn.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định thế nào?

Về bản chất, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với mọi lý do. Tuy nhiên, cần phải lưu ý về thời hạn báo trước và các trường hợp không cần phải báo trước, được quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động”

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trường hợp nào người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc? Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có được trợ cấp không?

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc, bao gồm:

+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

Như vậy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì vẫn được nhận trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hạn báo trước để không bị sai phạm trong quá trình thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trợ cấp thôi việc được tính như thế nào?

Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên và thuộc một trong các trường hợp được hưởng trợ cấp như đã trình bày, thì có thể được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, nếu người lao động rơi vào những trường hợp như sau thì không được nhận khoản tiền này, bao gồm:

Đủ điều kiện hưởng lương lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì không được hưởng khoản trợ cấp này.

Mức hưởng được tính như sau: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Ngoài ra, thời gian để tính trợ cấp thôi việc phải là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Như vậy, việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì vẫn sẽ nhận được khoản trợ cấp thôi việc theo đúng quy định nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

17,176 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào