Người lao động đi làm vài ngày sau đó nghỉ thì có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp này không?
Người lao động đi làm vài ngày sau đó nghỉ thì có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp này không?
Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, đối với người lao động thì pháp luật chỉ quy định người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, nếu các bên giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc người lao động giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên nhưng chấm dứt hợp đồng lao động sau khi làm việc được thời gian ngắn thì trường hợp này công ty vẫn phải thực hiện báo tăng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nếu người lao động không làm việc, không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì công ty không cần phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Tuy nhiên, công ty vẫn phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nếu có phát sinh làm việc trong tháng theo điểm a tiết 2.1 khoản 2 Điều 50 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 như sau:
Trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, Đại lý thu
...
2. Trách nhiệm của đơn vị, Đại lý thu
2.1. Đơn vị
a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lập hồ sơ; lưu trữ hồ sơ của người tham gia và đơn vị.
c) Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu, dữ liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN khi có thay đổi hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền, cơ quan BHXH.
d) Phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động trong đơn vị.
đ) Phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện các quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
...
Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?
Bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
(1) Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
(2) Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
(3) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
(4) Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
(5) Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo hiểm xã hội?
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.