Người lao động đang nghỉ chế độ thai sản bị chấm dứt hợp đồng lao động khi doanh nghiệp giải thể có đúng không?
Người lao động đang nghỉ chế độ thai sản bị chấm dứt hợp đồng lao động khi doanh nghiệp giải thể có đúng không?
Căn cứ khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
...
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp
Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207 của Luật này được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
...
d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
...
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp giải thể là một trong những trường hợp hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt.
Tuy nhiên, trong giải thể doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước sẽ yêu cầu doanh nghiệp có đầy đủ phương án xử lý nghĩa vụ với người lao động.
Vì thể doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị trước các phương án chấm dứt HĐLĐ với các người lao động tại doanh nghiệp để quá trình giải thể được diễn ra nhanh chóng.
Từ các quy định trên thì doanh nghiệp không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong thời gian nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Vì vậy, để giải quyết nhanh chóng thủ tục giải thể và không vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong trường hợp này.
Cụ thể, doanh nghiệp nên gửi đề nghị hoặc thông báo hoặc trao đổi với người lao động về vấn đề thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Nếu như người lao động đồng thuận chấm dứt thì doanh nghiệp thực hiện lập văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp gửi Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 đến người lao động.
Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp thực hiện chốt sổ BHXH, chi trả trợ cấp thôi việc và các lợi ích khác, cùng theo các giấy tờ liên quan cho người lao động để hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cần chuẩn bị những gì?
Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
(1) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
(2) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
(3) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
(4) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
(5) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
- Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
- Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
- Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
TẢI VỀ Mẫu đơn xin nghỉ dưỡng sức sau sinh.
Giải quyết hưởng chế độ thai sản cần đáp ứng những điều kiện gì theo quy định pháp luật?
Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
- Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.