Người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không?
- Người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không?
- Doanh nghiệp có phải có nghĩa vụ thiết lập cơ chế trao đổi với người lao động hay không?
- Việc thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, trao đổi có nằm trong chính sách của Nhà nước về lao động không?
Người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 về quyền và nghĩa vụ của người lao động:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 về nghỉ hằng tuần:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 về nghỉ lễ, tết:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
...
Từ các quy định trên có thể thấy rằng, doanh nghiệp cần phải đảm bảo mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
Hay nói cách khác, tùy theo chính sách của từng công ty mà người lao động có thể được nghỉ mỗi tuần nhiều hơn 24h liên tục.
Trên thực tế, chính sách của nhiều công ty cho phép người lao động được nghỉ 02 ngày cuối tuần Thứ 7 và Chủ Nhật.
Mặc khác, vào dịp lễ 30/4 và 1/5 người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Việc người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không thì hiện nay các quy định của pháp luật vẫn chưa có quy định.
Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể thỏa thuận vấn đề này với doanh nghiệp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động (nếu có).
Đồng thời, đây có thể được coi là trường hợp đặc biệt mà doanh nghiệp có thể cân nhắc quyết định.
Do đó, việc người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người lao động và công ty.
Người lao động có được yêu cầu công ty hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ 5 ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có phải có nghĩa vụ thiết lập cơ chế trao đổi với người lao động hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
...
Như vây, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thiết lập cơ chế trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động (nếu có).
Việc thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, trao đổi có nằm trong chính sách của Nhà nước về lao động không?
Căn cứ tại Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 về chính sách của Nhà nước về lao động:
Chính sách của Nhà nước về lao động
...
5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.
6. Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
7. Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Như vậy, việc thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định nằm trong chính sách của Nhà nước về lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.