Người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi xin nghỉ việc mà chưa ký hợp đồng lao động với công ty hay không?
- Người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi xin nghỉ việc mà chưa ký hợp đồng lao động với công ty hay không?
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xác định đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng không?
- Để được giải quyết trợ cấp thất nghiệp người lao động cần liên hệ với cơ quan nhà nước nào?
Người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi xin nghỉ việc mà chưa ký hợp đồng lao động với công ty hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Bên cạnh đó, tại Điều 43 Luật việc làm 2013 có quy định như sau:
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
...
Ngoài ra, tại Điều 44 Luật việc làm 2013 có quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.
....
Theo quy định thì người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, trường hợp người lao động đã có thời gian làm việc tại công ty nhưng lại xin nghỉ việc trước khi ký hợp đồng lao động thì sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội, không được hưởng trở cấp thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xác định đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng không?
Vị trí và chức năng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định tại Điều 1 Nghị định 89/2020/NĐ-CP như sau:
Vị trí và chức năng
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Viet Nam Social Security, viết tắt là VSS.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Từ quy định trên thì có thể thấy Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ là cơ quan với chức năng tổ chức, thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có chức năng xác định người lao động có thuộc diện có được hưởng hay bị hủy hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi xin nghỉ việc mà chưa ký hợp đồng lao động với công ty hay không? (Hình từ Internet)
Để được giải quyết trợ cấp thất nghiệp người lao động cần liên hệ với cơ quan nhà nước nào?
Căn cứ Điều 46 Luật việc làm 2013 quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, để được giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Việc nộp hồ sơ cần phải được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.