Người lao động 50 tuổi khi nhận trợ cấp thất nghiệp có phải thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng không?
Đủ 50 tuổi khi nhận trợ cấp thất nghiệp có phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng không?
Đủ 50 tuổi khi nhận trợ cấp thất nghiệp có phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng không?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có quy định:
"Điều 10. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm
...
2. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
b) Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
d) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;
đ) Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định."
Như vậy, trong trường hợp của bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và sang tháng bạn đủ 50 tuổi thì bạn vẫn cần phải thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Có thể thông báo về việc tìm kiếm việc làm vào bất kỳ ngày nào trong tháng không?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian người lao động phải tiến hành thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm được quy định như sau:
"...
4. Ngày người lao động thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm được ghi cụ thể trong phụ lục quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
a) Ngày của tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả;
b) Từ tháng thứ hai trở đi người lao động thực hiện ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp."
Có thể thấy, việc thông báo về tình trạng tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải được thực hiện theo quy định cụ thể về thời gian như sau:
- Ở tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp: thông báo vào ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả
- Từ tháng thứ hai trở đi: thông báo hằng tháng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, bạn không thể thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm của mình với trung tâm dịch vụ việc làm vào một ngày bất kỳ trong tháng mà phải tuân thủ theo quy định nêu trên.
Tải mẫu đơn Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất hiện nay tại đây
Chuyển địa điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm đối với trung tâm nào?
Căn cứ Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 61/2020/NĐ-CP về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
- Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi gửi thông báo về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động chuyển đến, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì người lao động phải nộp lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.
- Thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động trong thời gian chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần tiếp tục thực hiện các quyền và trách nhiệm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổ chức tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm 2013, "hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm". Do đó, người lao động cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi vừa chuyển đến theo như quy định trên.
Như vậy, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đủ 50 tuổi dù là nam hay nữ vẫn phải tiếp tục thực hiện thông báo hàng tháng về tình trạng tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm. Việc thông báo này phải tuân thủ theo quy định về thời gian và nơi nhận thông báo theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo công tác quản lý được thống nhất và chặt chẽ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.