Người làm nhiệm vụ trực cứu nạn cứu hộ, người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ được hưởng các chế độ nào?
Trang bị phương tiện thiết bị cứu nạn cứu hộ được quy định như thế nào?
Theo Điều 29 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Trang bị phương tiện thiết bị cứu nạn cứu hộ:
+ Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ và trang phục chuyên dùng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, cơ sở do cơ quan, tổ chức, cơ sở trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, tổ chức, cơ sở
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm về địa lý, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
- Phương tiện chuyên dùng và phương tiện khác phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.
- Phương tiện chuyên dùng cho công tác cứu nạn, cứu hộ được nghiên cứu, sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện của Việt Nam.
Người làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (Hình từ Internet)
Người làm nhiệm vụ trực cứu nạn cứu hộ, người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ được hưởng các chế độ nào?
Tại Điều 33, Điều 34 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực cứu nạn cứu hộ, người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ được hưởng như sau:
* Chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực cứu nạn cứu hộ
- Mức hưởng: Người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Số lượng người trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Chi phí cho trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an.
Chi phí cho trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được tính vào kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ sở.
* Chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ
- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 19 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.
- Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.
Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
- Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Nguồn tài chính bảo đảm cho công tác cứu nạn cứu hộ gồm những nguồn nào?
Cụ thể tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về nguồn tài chính bảo đảm cho công tác cứu nạn cứu hộ như sau:
- Nguồn tài chính bảo đảm cho công tác cứu nạn, cứu hộ bao gồm:
+ Ngân sách nhà nước
+ Nguồn thu từ các hợp đồng hoặc thỏa thuận cứu hộ với tổ chức, cá nhân có tài sản, phương tiện cần cứu hộ theo quy định của pháp luật
+ Các khoản đền bù của cơ quan bảo hiểm; các khoản chi trả của tổ chức, cá nhân và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật
+ Các khoản tài trợ, hỗ trợ, viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tự nguyện đóng góp nhân lực, kinh phí, phương tiện, tài sản cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
- Việc quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.