Người hút thuốc lá vứt tàn thuốc bừa bãi gây hoả hoạn dẫn đến tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
- Có được hút thuốc lá tại các quán bar, karaoke không?
- Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá mà không có thiết bị phòng cháy chữa cháy thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
- Người hút thuốc lá vứt tàn thuốc bừa bãi gây hoả hoạn dẫn đến tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Có được hút thuốc lá tại các quán bar, karaoke không?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định như sau:
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:
a) Khu vực cách ly của sân bay;
b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.
4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.
Như vậy, theo quy định thì quán bar, karaoke là địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
Có được hút thuốc lá tại các quán bar, karaoke không? Hình từ Internet)
Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá mà không có thiết bị phòng cháy chữa cháy thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:
Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;
b) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời, căn cứ khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định, nơi dành riêng cho người hút thuốc lá mà không có thiết bị phòng cháy chữa cháy thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Người hút thuốc lá vứt tàn thuốc bừa bãi gây hoả hoạn dẫn đến tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ khoản 4, 5 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi vứt tàn thuốc lá bừa bãi gây hoả hoạn dẫn đến tổn hại cho sức khoẻ của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu thuộc một trong 2 trường hợp sau:
(1) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
(2) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vứt tàn thuốc lá bừa bãi gây hoả hoạn dẫn đến tổn hại cho sức khoẻ của người khác còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó là chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.