Người hành nghề dược có thể chịu trách nhiệm chuyên môn cho mấy cơ sở kinh doanh dược? Chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho 02 cơ sở khác nhau có bị xử phạt hay không?

Chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho 02 cơ sở khác nhau có bị xử phạt hay không? Xin chào ban tư vấn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Cho tôi hỏi một người có thể chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho mấy cơ sở kinh doanh dược vậy? Có thể chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho 2 cơ sở khác nhau được không?

Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược có cần phải có Chứng chỉ hành nghề dược không?

Căn cứ theo Điều 11 Luật Dược 2016 quy định về các vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược như sau:

"Điều 11. Vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược
1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược.
2. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
3. Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh."

Như vậy, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược là đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề dược.

Hành nghề dược

Người hành nghề dược có thể chịu trách nhiệm chuyên môn cho mấy cơ sở kinh doanh dược?

Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược có những quyền như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?

Tại Điều 30 Luật Dược 2016 quy định về quyền của người hành nghề dược cụ thể như sau:

"Điều 30. Quyền của người hành nghề dược
1. Được đào tạo, cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin chuyên môn, pháp luật về dược.
2. Được cấp Chứng chỉ hành nghề dược khi đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Luật này.
3. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dược được ủy quyền cho người có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp khi vắng mặt để chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định.
4. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.
5. Từ chối thực hiện hoạt động chuyên môn trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp."

Theo đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược sẽ có các quyền của người hành nghề dược theo như quy định nêu trên.

Người hành nghề dược có thể chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho mấy cơ sở kinh doanh dược?

Theo Điều 31 Luật Dược 2016 quy định về nghĩa vụ của người hành nghề dược như sau:

"Điều 31. Nghĩa vụ của người hành nghề dược
1. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược.
2. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Luật này.
3. Chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn đối với một cơ sở kinh doanh dược và tại một địa Điểm kinh doanh dược.
4. Hành nghề dược theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật.
5. Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.
6. Hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
7. Thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề dược của người hành nghề dược khác và phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã thông báo."

Như vậy, theo quy định nêu trên, người hành nghề dược chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn về dược đối với một cơ sở kinh doanh dược và tại một địa điểm kinh doanh dược.

Chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cho 02 cơ sở khác nhau sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về hành nghề dược như sau:

"2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược;
b) Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật;
c) Chịu trách nhiệm chuyên môn từ hai cơ sở kinh doanh dược trở lên hoặc tại hai địa điểm kinh doanh dược trở lên;
d) Hành nghề dược không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật;
đ) Cơ sở đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược không đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật;
e) Cơ sở tổ chức thi xét cấp chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật;
g) Cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược."

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người hành nghề dược chịu trách nhiệm chuyên môn từ 02 cơ sở kinh doanh dược trở lên thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, theo điểm a khoản 4 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
3,209 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào