Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái bị phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Cho tôi hỏi là người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái bị phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái mà bị tạm giữ xe để xử phạt vi phạm hành chính thì ai có quyền đi lấy xe về? Câu hỏi của chị Q đến từ An Giang.

Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
...
5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
...

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
...

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

Tuổi, sức khỏe của người lái xe
...
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT như sau:

Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe
1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” tại Phụ lục số 01.
...

Theo đó, quy định tại Mục IX Phụ lục số 1 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe được hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định người sử dụng chất có nồng độ cồn vượt quá giới hạn quy định thì không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông.

Như vậy, người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn vượt quá giới hạn quy định lái thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Lưu ý: Nếu tổ chức là chủ xe thì mức xử phạt với hành vi trên từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái bị phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái bị phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (Hình từ Internet)

Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Như vậy, người giao xe máy cho người khác mà biết rõ người đó có nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra các hậu quả sau:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo các tỷ lệ quy định trên;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.

Người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái mà bị tạm giữ xe để xử phạt vi phạm hành chính thì ai có quyền đi lấy xe về?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP như sau:

Trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ
...
2. Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc trả lại hoặc chuyển tang vật, phương tiện khi đã có quyết định trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện theo trình tự như sau:
a) Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận.
Người đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;
...

Như vậy, người vi phạm hoặc chủ xe máy có thể thể đến nhận lại xe máy đang bị tạm giữ.

Nếu chủ xe máy hoặc người vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận lại xe đang bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người giao xe máy của mình cho người có nồng độ cồn lái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp cụ thể nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

705 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào