Người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch thì bị phạt đến 15 triệu đồng?
- Người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch thì bị phạt đến 15 triệu đồng?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch là bao lâu?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được xử phạt người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch không?
Người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch thì bị phạt đến 15 triệu đồng?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch được quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp;
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
...
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên, người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật.
Đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm
(Hình từ Internet)
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch là 01 năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được xử phạt người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch không?
Căn cứ khoản 2 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 27 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Bên cạnh đó tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Theo quy định trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 50.000.000 đồng (đối với tổ chức) đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS.
Do người đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 15.000.000 đồng nên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt người này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.