Người đang tập sự hành nghề Thừa phát lại được tạm ngừng tập sự tối đa bao lâu? Thời gian tập sự trong trường hợp tạm ngừng tập sự sẽ được tính như thế nào?

Tôi hiện đang tập sự hành nghề Thừa phát lại nhưng sắp tới vì công việc cá nhân nên tôi bắt buộc phải ra nước ngoài công tác một thời gian. Vì vậy, tôi phải tạm ngừng việc tập sự lại một thời gian. Cho tôi hỏi theo quy định thì tôi được tạm ngừng tập sự tối đa là bao lâu vậy? Khi tạm ngừng tập sự thì thời gian tập sự của tôi sẽ được tính như thế nào? Có phải tính lại từ đầu để đủ 06 tháng liên tục không? - Anh Minh Huy (Bến Tre).

Người đang tập sự hành nghề Thừa phát lại được tạm ngừng tập sự tối đa bao lâu?

Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định về việc tạm ngừng, chấm dứt tập sự hành nghề Thừa phát lại như sau:

Tạm ngừng, chấm dứt tập sự hành nghề Thừa phát lại
1. Người đang tập sự hành nghề Thừa phát lại được tạm ngừng tập sự trong trường hợp có lý do chính đáng. Người có thời gian tập sự 06 tháng được tạm ngừng tập sự tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 03 tháng; người có thời gian tập sự 03 tháng được tạm ngừng tập sự tối đa 01 lần không quá 03 tháng. Thời gian tạm ngừng tập sự không được tính vào thời gian tập sự.
Thời gian tập sự trước khi tạm ngừng tập sự được tính vào tổng thời gian tập sự, trừ trường hợp đăng ký tập sự lại theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của người tập sự về việc tạm ngừng tập sự và trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời gian tạm ngừng tập sự, Văn phòng Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở để theo dõi việc tạm ngừng tập sự.

Như vậy, nếu anh có lý do chính đáng và thuộc trường hợp phải tập sự 06 tháng thì sẽ được tạm ngừng tập sự tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 03 tháng. Trường hợp anh thuộc đối tượng phải tập sự 03 tháng thì sẽ được tạm ngừng tập sự tối đa 01 lần và không quá 03 tháng.

Đồng thời, cũng theo quy định trên, thời gian tập sự trước khi anh tạm ngừng tập sự sẽ được tính vào tổng thời gian tập sự chứ không phải tập sự lại từ đầu (trừ trường hợp anh đăng ký tập sự lại).

Thừa phát lại

Tập sự hành nghề Thừa phát lại (Hình từ Internet)

Thời gian tập sự hành nghề Thừa phát lại là bao lâu theo quy định hiện nay?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì thời gian tập sự hành nghề Thừa phát lại hiện nay là:

- 06 tháng đối với người được đào tạo nghề Thừa phát lại:

- 03 tháng đối với người được bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

Thời gian này được tính kể từ ngày Sở Tư pháp ra văn bản thông báo về việc đăng ký tập sự.

Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, những đối tượng sau đây sẽ được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại và chỉ cần tham gia bồi dưỡng nghề Thừa phát lại :

- Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

- Luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

- Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát;

- Người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

- Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự.

Như vậy, khi thuộc một trong những trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại và chỉ cần tham gia bồi dưỡng nghề Thừa phát lại như quy định trên đây thì thời gian tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ là 03 tháng, các trường hợp còn lại phải tham gia đào tạo nghề Thừa phát lại thì thời gian tập sự sẽ là 06 tháng.

Theo đó, để xác định anh sẽ được tạm ngừng thời gian tập sự hành nghề Thừa phát lại bao lâu thì anh cần đối chiếu xem mình thuộc trường hợp đào tạo nghề Thừa phát hay bồi dưỡng nghề Thừa phát lại anh nhé.

Người tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ có những quyền như thế nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 05/2020/TT-BTP, người tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ có những quyền sau đây:

- Thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng lao động với Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự;

- Được Thừa phát lại hướng dẫn tập sự hướng dẫn các nội dung tập sự, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tập sự;

- Đề nghị thay đổi Thừa phát lại hướng dẫn tập sự và nơi tập sự trong các trường hợp quy định tại các Điều 10 và 11 của Thông tư này;

- Đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP;

- Các quyền khác theo thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự và theo quy định của pháp luật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
774 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào