Người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 có thể bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyền phạt tiền đối với người đó không?
Cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm đúng không?
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định như sau:
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo đó, cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 có thể bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 có thể bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phân loại bệnh truyền nhiễm như sau:
Phân loại bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
...
Theo đó, bệnh cúm A H5N1 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:
Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
...
Theo đó, người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân (Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyền phạt tiền đối với người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 hay không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 6.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.
Đây là thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có thẩm quyền phạt tiền bằng 02 lần so với cá nhân tức là 10.000.000 đồng (Theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP)).
Như vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã không có quyền phạt tiền đối với người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 (Mức phạt cao nhất đối với người cố ý lây lan tác nhân gây bệnh cúm A H5N1 là 20.000.000 đồng).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.