Người chưa thành niên có được ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất không?
Người chưa thành niên có được ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, trong trường hợp văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất phải có chữ ký của người con gái chưa thành niên, nhưng đồng thời với đó phải có chữ ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên đó thì mới đảm bảo tính toàn diện khi giải quyết vụ việc.
Người chưa thành niên (Hình từ Internet)
Người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên là ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đại diện cho con như sau:
Đại diện cho con
1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên là cha mẹ của người con này, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
Xác lập quyền nhân thân của người chưa thành niên thì có cần phải được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền nhân thân như sau:
Quyền nhân thân
1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.