Người chưa được xóa án tích lại phạm tội mới thì bị xử lý như thế nào? Phạm tội khi chưa được xóa án tích có phải là yếu tố định tội, định khung hình phạt không?
Người chưa được xóa án tích lại phạm tội mới thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 về tái phạm, tái phạm nguy hiểm như sau:
Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Như vậy, người chưa được xóa án tích mà lại phạm một tội mới thì bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Cụ thể:
- Tái phạm là khi người bị kết án chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý thì được coi là tái phạm;
- Tái phạm nguy hiểm là khi:
+ Người bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc
+ Người bị kết án đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, việc tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng, đây là căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định mức hình phạt cho người có hành vi phạm tội.
Người chưa được xóa án tích lại phạm tội mới thì bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Phạm tội khi chưa được xóa án tích có phải là yếu tố định tội, định khung hình phạt không?
Căn cứ vào một số ví dụ tại Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
…
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015:
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
…
Như vậy, từ những ví dụ trên thì việc phạm tội khi chưa được xóa án tích trong nhiều trường hợp còn là yếu tố định tội, định khung hình phạt.
Đương nhiên xóa án tích không áp dụng với những tội phạm nào?
Căn cứ vào Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Như vậy, đương nhiên xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015.
Tức là các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.