Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ bắt buộc là bác sĩ đa khoa đúng không?
Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ phải có diện tích tối thiểu là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2014/TT-BYT thì Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ phải có tổng diện tích tối thiểu là 200m2, trong đó:
- Phòng truyền thông và tư vấn hiến máu có diện tích tối thiểu là 20m2.
- Phòng tuyển chọn người hiến máu và tiếp nhận máu diện tích tối thiểu là 50m2.
- Phòng bảo quản máu có diện tích tối thiểu là 15m2 được thiết kế theo quy định của Bộ Y tế.
Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ (Hình từ Internet)
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ bắt buộc là bác sĩ đa khoa đúng không?
Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2014/TT-BYT như sau:
Điều kiện hoạt động đối với trung tâm hiến máu
...
3. Nhân lực:
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của trung tâm phải đáp ứng điều kiện sau đây:
- Là bác sĩ đa khoa và có giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành Huyết học - Truyền máu do cơ sở chức năng đào tạo cấp; có thời gian thực hành ít nhất 18 tháng về chuyên ngành này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trung tâm Huyết học - Truyền máu hoặc cơ sở hiến máu được thành lập và hoạt động theo quy định tại Thông tư này;
- Làm việc toàn thời gian tại trung tâm hiến máu.
b) Trưởng phòng của trung tâm phải đáp ứng điều kiện sau đây:
- Trưởng phòng truyền thông và tư vấn hiến máu tối thiểu phải có bằng trung cấp y, có giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên ngành Huyết học - Truyền máu thời gian tối thiểu 03 tháng do cơ sở có chức năng đào tạo cấp;
- Trưởng phòng tuyển chọn người hiến máu và tiếp nhận máu là bác sĩ đa khoa, có giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên ngành Huyết học - Truyền máu thời gian tối thiểu 06 tháng do cơ sở có chức năng đào tạo cấp;
- Trưởng phòng bảo quản máu tối thiểu phải là bác sĩ đa khoa, có giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên ngành Huyết học - Truyền máu thời gian tối thiểu từ 06 tháng do cơ sở có chức năng đào tạo cấp;
- Các trưởng phòng của trung tâm phải có thời gian thực hành chuyên khoa Huyết học - Truyền máu tối thiểu 12 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Trung tâm Huyết học - Truyền máu hoặc cơ sở hiến máu được thành lập và hoạt động theo quy định tại Thông tư này;
- Làm việc toàn thời gian tại trung tâm hiến máu;
c) Nhân viên thực hiện tiếp nhận máu phải có bằng chuyên môn tối thiểu là trung cấp chuyên ngành y, có thời gian thực hành chuyên ngành Huyết học - Truyền máu tối thiểu 06 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu hoặc cơ sở hiến máu được thành lập và hoạt động theo quy định tại Thông tư này.
d) Tình nguyện viên, nhân viên khác làm việc tại trung tâm hiến máu phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao.
...
Theo đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 nêu trên.
Trong đó có điều kiện người này phải là bác sĩ đa khoa và có giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành Huyết học - Truyền máu do cơ sở chức năng đào tạo cấp.
Gửi hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ đến đâu?
Nơi gửi hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ được quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2014/TT-BYT như sau:
Đăng ký hoạt động của cơ sở hiến máu chữ thập đỏ
1. Trung tâm hiến máu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 của Thông tư này và điểm hiến máu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 của Thông tư này gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động về Sở Y tế, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tài liệu chứng minh trung tâm hiến máu hoặc điểm hiến máu đủ diện tích theo quy định.
c) Bản kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu truyền thông, thuốc của cơ sở;
d) Danh sách người phụ trách chuyên môn và nhân viên của cơ sở, kèm theo bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận theo quy định tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư này;
đ) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập cơ sở;
e) Phạm vi đăng ký hoạt động chuyên môn;
g) Quy chế hoạt động của cơ sở.
2. Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Y tế phải có giấy xác nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hiến máu chữ thập đỏ.
Như vậy, Trung tâm hiến máu đáp ứng điều kiện quy định có thể gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động về Sở Y tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.