Người chấp hành án phạt quản chế chịu sự kiểm soát, giáo dục của ai? Nếu vi phạm nghĩa vụ thì bị xử lý ra sao?
Người chấp hành án phạt quản chế chịu sự kiểm soát, giáo dục của ai?
Người chấp hành án phạt quản chế có các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế
....
2. Người chấp hành án có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế;
b) Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế;
c) Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng;
d) Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội;
đ) Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự được quy định tại Điều 19 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế.
2. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo quy định, người chấp hành án phạt quản chế chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương.
Người chấp hành án phạt quản chế chịu sự kiểm soát, giáo dục của ai? Nếu vi phạm nghĩa vụ thì bị xử lý ra sao? (Hình từ Internet)
Hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế được quy định như thế nào?
Hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế được quy định tại khoản 4 Điều 112 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Thủ tục thi hành án phạt quản chế
...
4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế. Hồ sơ bao gồm:
a) Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Cam kết của người chấp hành án phạt quản chế;
c) Nhận xét về quá trình chấp hành án phạt quản chế;
d) Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);
đ) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);
e) Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (nếu có);
g) Tài liệu khác có liên quan.
...
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt tù cư trú lập hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế thì hồ sơ bao gồm:
- Các tài liệu quy định tại khoản 3 nêu trên;
- Cam kết của người chấp hành án phạt quản chế;
- Nhận xét về quá trình chấp hành án phạt quản chế;
- Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);
- Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (nếu có);
- Tài liệu khác có liên quan.
Người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ thì bị xử lý ra sao?
Xử lý người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 116 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Xử lý người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ
1. Trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này thì Công an cấp xã lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, lưu hồ sơ thi hành án.
2. Người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế mà không có giấy phép hoặc vi phạm quy định ghi trong giấy phép nếu không có lý do chính đáng thì thời gian này không được tính vào thời hạn chấp hành án phạt quản chế.
Người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ trên quy định trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ thì Công an cấp xã lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, lưu hồ sơ thi hành án.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.