Người cha có được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng nhà ở đã ký với con trai không?
Thời hạn của hợp đồng ủy quyền được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Căn cứ Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hạn ủy quyền như sau:
Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Theo đó, thời hạn ủy quyền là do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập hợp đồng ủy quyền đó.
Hợp đồng ủy quyền (Hình từ Internet)
Người cha có được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng nhà ở đã ký với con trai không?
Căn cứ Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên ủy quyền như sau:
Quyền của bên ủy quyền
1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.
Căn cứ Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì chú được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền đã ký kết mà không cần có sự đồng ý của con trai mình.
- Nếu trường hợp chú là ký hợp đồng ủy quyền không có thù lao thì chú có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đối với con trai bất cứ lúc nào, tuy nhiên phải báo trước cho con trai chú một khoảng thời gian hợp lý.
- Nếu là hợp đồng ủy quyền có thù lao thì chú vẫn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào nhưng phải trả thù lao cho con trai chú theo thỏa thuận đã ký và phải bồi thường thiệt hại (nếu có phát sinh thiệt hại).
Bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác thực hiện công việc được ủy quyền không?
Căn cứ Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ủy quyền lại như sau:
Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Theo đó, bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác thực hiện công việc được ủy quyền trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 564 nêu trên.
Việc ủy quyền lại này không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Hình thức của hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu. Ví dụ nếu hợp đồng ủy quyền ban đầu là văn bản thì hợp đồng ủy quyền lại này cũng phải được lập thành văn bản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.