Ngoài đào tạo chính quy, trường đại học còn tiến hành đào tạo theo hình thức nào cho người đi làm có thể tham gia học tập hay không?
Có hình thức đào tạo nào cho người đi làm tham gia học tập tại trường đại học không?
Đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học
Các hình thức đào tạo theo quy định tại Điều 4 Quy chế đào tạo trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT) (sau đây gọi tắt là Quy chế) bao gồm:
(1) Đào tạo chính quy:
a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo;
b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
(2) Đào tạo vừa làm vừa học:
a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế này, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo;
b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
(3) Đối với các ngành đào tạo ưu tiên phục vụ nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thực hiện các hình thức đào tạo phù hợp.
Như vậy, trường hợp bạn đã đi làm nhưng vẫn muốn tham gia học tập tại trường đại học thì có thể tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học.
Trường đại học có thể liên kết đào tạo không?
Tại khoản 1 Điều 5 Quy chế, việc liên kết đào tạo của trường đại học được quy định như sau:
"Điều 5. Liên kết đào tạo
1. Liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Không thực hiện việc liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề."
Theo đó, đối với hệ vừa làm vừa học và các hình thức đào tạo khác, chương trình liên kết đào tạo có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các chủ thể trong chương trình liên kết đào tạo cần đảm bảo những yêu cầu nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Quy chế, các yêu cầu đối với cơ sở chủ trì đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo và các bên tham gia liên kết đào tạo được quy định như sau:
(1) Các yêu cầu tối thiểu đối với cơ sở chủ trì đào tạo
a) Đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp và còn hiệu lực theo quy định;
b) Chương trình đào tạo dự kiến liên kết đào tạo đã được tổ chức thực hiện tối thiểu 03 khoá liên tục theo hình thức chính quy; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành;
c) Bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;
d) Đã ban hành quy định về liên kết và đã thẩm định các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở phối hợp đào tạo;
đ) Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không áp dụng điểm a, điểm b khoản này, nhưng chỉ được liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục thuộc cùng bộ quản lý trực tiếp và phải có văn bản giao nhiệm vụ liên kết đào tạo của bộ quản lý trực tiếp.
(2) Các yêu cầu tối thiểu của cơ sở phối hợp đào tạo
a) Đáp ứng các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo;
b) Đã có báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành, trừ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
(3) Trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo
a) Cơ sở chủ trì đào tạo và cơ sở phối hợp đào tạo chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng liên kết đào tạo, thỏa thuận cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên trong việc phối hợp tổ chức thực hiện, quản lý quá trình dạy học bảo đảm chất lượng đào tạo và thực hiện nội dung đã thỏa thuận phù hợp với các quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Cơ sở chủ trì đào tạo chịu trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo; báo cáo hoạt động liên kết đào tạo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi liên kết đào tạo trước khi tổ chức tuyển sinh; nếu cơ sở phối hợp đào tạo không đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm chất lượng theo quy định của học phần hoặc của chương trình đào tạo thì phải chuyển sinh viên về cơ sở chủ trì liên kết để tiếp tục đào tạo theo quy định và bảo đảm quyền lợi cho sinh viên;
c) Cơ sở phối hợp đào tạo có trách nhiệm cùng cơ sở chủ trì đào tạo bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất thực hiện đào tạo; tham gia quản lý, giảng dạy, theo thoả thuận giữa hai bên;
d) Cơ sở chủ trì đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo; thực hiện các quy chế về tuyển sinh, đào tạo; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho giảng viên, sinh viên trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đào tạo.
Như vậy, người đã đi làm có thể tham gia đào tạo tại trường đại học theo hình thức vừa làm vừa học. Cơ sở đào tạo sẽ sắp xếp thời gian giảng dạy trong ngày và trong tuần sao cho phù hợp với người học, đảm bảo tính thuận tiện. Bên cạnh đó, đối với trường hợp tiến hành liên kết đào tạo với các cơ sở khác, mỗi bên cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu như trên để hoạt động liên kết được diễn ra hiệu quả nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.