Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ nào? Thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc gì?
Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ nào?
Định nghĩa nghiệp vụ thư tín dụng được quy định tại Điều 3 Thông tư 21/2024/TT-NHNN như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.
...
3. Thư tín dụng là cam kết không thể hủy ngang của ngân hàng phát hành cho bên thụ hưởng về việc sẽ thanh toán trên cơ sở nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp.
...
Như vậy, nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều 4 Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định như sau:
(1) Phát hành thư tín dụng là việc ngân hàng phát hành cấp tín dụng cho khách hàng thông qua phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng theo đề nghị của khách hàng. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả đầy đủ gốc, lãi và phí theo thỏa thuận trong trường hợp ngân hàng phải thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng bằng nguồn tiền của ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng khác thanh toán thay cho khách hàng.
(2) Xác nhận thư tín dụng là việc ngân hàng xác nhận theo đề nghị của ngân hàng phát hành cam kết thanh toán cho bên thụ hưởng trên cơ sở nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp, ngoài cam kết của ngân hàng phát hành.
(3) Thương lượng thanh toán là việc ngân hàng thương lượng mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng (có kèm hoặc không kèm hối phiếu) của bên thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
(4) Hoàn trả thư tín dụng là việc ngân hàng hoàn trả thỏa thuận với ngân hàng phát hành về việc thanh toán bằng nguồn tiền của mình cho bên thụ hưởng hoặc là việc ngân hàng hoàn trả theo đề nghị của ngân hàng phát hành cam kết với bên thụ hưởng về việc thanh toán cho bên thụ hưởng, ngoài cam kết của ngân hàng phát hành.
Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ nào? (hình từ internet)
Tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc gì?
Nguyên tắc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng được quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2024/TT-NHNN như sau:
(1) Hoạt động nghiệp vụ thư tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng phải tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN, các quy định của pháp luật có liên quan về cấp tín dụng.
Lưu ý: Các nội dung khác về nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng thực hiện theo tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.
(2) Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng bằng ngoại tệ phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng ngân hàng, các quy định của pháp luật về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phải tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế của ngân hàng.
(3) Khi thực hiện thu nợ gốc, lãi và phí bằng ngoại tệ trong nghiệp vụ thư tín dụng, trường hợp khách hàng không có hoặc chưa có đủ ngoại tệ để trả nợ, khách hàng được mua ngoại tệ tại ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ.
- Trường hợp khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ tại ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng phải thực hiện bán ngoại tệ cho khách hàng.
- Trường hợp khách hàng mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.
- Khách hàng phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã bán ngoại tệ cho khách hàng trong trường hợp có nguồn thu bằng ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó có nhu cầu.
(4) Khi thực hiện nghiệp vụ thương lượng thanh toán cho khách hàng là người không cư trú, ngân hàng phải tuân thủ quy định tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN và quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.
(5) Khi thực hiện các nghiệp vụ phát hành, xác nhận, hoàn trả thư tín dụng đối với khách hàng là người không cư trú, ngân hàng không bắt buộc phải mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thu hồi nợ nước ngoài từ nghiệp vụ thư tín dụng.
Trường hợp ngân hàng mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các tài liệu do ngân hàng xuất trình để đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch liên quan đến việc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.
(6) Ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng cho khách hàng theo thỏa thuận của các bên không trái với quy định tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN, các quy định của pháp luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.
(7) Tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những hành vi bị nghiêm cấm, trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.
Có bắt buộc áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng
1. Ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.
2. Trường hợp thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm, ngân hàng và khách hàng thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và theo quy định nội bộ của ngân hàng.
3. Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận. Theo đó, không bắt buộc áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.