Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng là ngày 9 tháng 12 đúng không? Hành vi nào được xem là tham nhũng?
Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng là ngày 9 tháng 12 đúng không? Hành vi nào được xem là tham nhũng?
IACD (International Anti-Corruption Day), hay Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng, được tổ chức hàng năm vào ngày 9 tháng 12.
Liên hợp quốc tổ chức ngày quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tham nhũng, hối lộ, và các mối quan tâm liên quan và công nhận những người tích cực đóng góp phòng chống tham nhũng trong chính phủ và cộng đồng của họ.
Theo đó, tham nhũng được coi là một hành vi đáng lên án và cần được xử phạt nghiêm minh.
Đây là ngày nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của tham nhũng và tôn vinh những người đấu tranh chống lại tham nhũng trong cộng đồng và trong các cơ quan chính phủ.
Hành vi được xem là tham nhũng căn cứ theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng cụ thể như sau:
(1) Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
(2) Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng (Hình từ Internet)
Người có hành vi tham nhũng bị xử lý như thế nào?
Tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau:
(1) Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
(2) Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
(3) Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
(4) Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
(5) Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo Điều 15 Nghị định 59/2019/NĐ-CP cụ thể:
- Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo tính chính xác, khách quan và tuân theo các quy định của pháp luật.
- Việc tổ chức đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 134/2021/NĐ-CP như sau:
+ Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất, khách quan và đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Nội dung của tài liệu hướng dẫn bao gồm: nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp đánh giá, trình tự, thủ tục tiến hành đánh giá.
+ Hằng năm, căn cứ vào Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp các thông tin, tài liệu, hồ sơ, báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc thực hiện việc đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để Thanh tra Chính phủ rà soát, đánh giá và tổng hợp.
+ Kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng được sử dụng để xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.