Ngày phụ nữ Việt Nam là ngày gì? Ngày phụ nữ Việt Nam người lao động có được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương hay không?
Ngày phụ nữ Việt Nam là ngày gì?
Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam đã được thành lập (nay đã được đổi tên thành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam). Để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn ngày 20 tháng 10 là ngày kỷ niệm của tổ chức này.
Đồng thời, 20 tháng 10 cũng là ngày kỷ niệm lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam" để tôn vinh vẻ đẹp cao cả, vĩ đại cùng những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Ngày Phụ nữ Việt Nam là ngày kỷ niệm và tôn vinh những đóng góp và thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong xã hội, kinh tế và cuộc sống gia đình. Ngày này cũng là ngày để thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với người phụ nữ, những người xứng đáng với sự kính trọng và sự quý mến.
Năm 2024 là kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
20 tháng 10 là ngày lễ gì? Ngày 20 tháng 10 người lao động có được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương hay không? (Hình từ Internet)
Ngày phụ nữ Việt Nam người lao động có được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương hay không?
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Căn cứ theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, vào ngày phụ nữ Việt Nam người lao động sẽ không được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Người lao động chỉ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Lưu ý:
Trong trường hợp ngày phụ nữ Việt Nam trùng với ngày nghỉ hằng tuần của người lao động thì người lao động được nghỉ làm.
Ngày phụ nữ Việt Nam có phải là ngày lễ lớn không?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
- Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
- Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Như vậy, ngày phụ nữ Việt Nam không phải là ngày lễ lớn.
Tiền lương mà lao động nữ nhận được khi làm thêm giờ có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
....
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Như vậy, đối với thu nhập từ tiền công làm thêm giờ là phần chênh lệch so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ: Lương của lao động khi làm việc trong giờ theo quy định là 200.000 đồng, lương của lao động nữ nhận được khi làm thêm giờ là 280.000 đồng thì phần tiền lương không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định như sau:
Lương làm thêm giờ không chịu thuế thu nhập cá nhân = lương làm thêm giờ - lương làm việc trong giờ theo quy định = 280.000 - 200.000 = 80.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.