Ngày 01 tháng 3 là Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử đúng không? Dùng thông điệp truyền thông nhằm phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bị phạt bao nhiêu?
- Ngày 01 tháng 3 là Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử đúng không? Sử dụng thông điệp truyền thông để phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bị phạt bao nhiêu?
- Ngoài hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thì những hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng chống HIV?
- Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV theo pháp luật Việt Nam bao gồm những nội dung gì?
Ngày 01 tháng 3 là Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử đúng không? Sử dụng thông điệp truyền thông để phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bị phạt bao nhiêu?
Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử được Liên Hiệp Quốc lựa chọn là ngày 01 tháng 3 hằng năm. Ngày này được lập ra nhằm nâng cao nhận thức về những bất bình đẳng, đồng thời yêu cầu các chính phủ thực hiện cam kết và nghĩa vụ để chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử.
Dẫn chiếu đến Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
d) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
đ) Sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều này;
d) Buộc điều chuyển lại vị trí công tác đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Buộc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
e) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được thì buộc tiêu hủy sản phẩm truyền thông.
Và tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, trường hợp sử dụng thông điệp truyền thông để phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu là cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu là tổ chức.
Ngày 01 tháng 3 là Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử đúng không? Dùng thông điệp truyền thông nhằm phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bị phạt bao nhiêu? (Hình từ internet)
Ngoài hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thì những hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng chống HIV?
Tại Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định ngoài hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thì những hành vi sau bị nghiêm cấm trong việc phòng chống HIV:
- Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.
- Đe dọa truyền HIV cho người khác.
- Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.
- Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.
- Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.
- Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.
- Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
- Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV theo pháp luật Việt Nam bao gồm những nội dung gì?
Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV theo pháp luật Việt Nam bao gồm những nội dung được quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, cụ thể như sau:
- Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.
- Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khoẻ, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS.
- Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV.
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
- Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
- Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.